Tại “Hội nghị Trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đăng ký kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức, ông Phan Qúy Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế có hơn 1.150 doanh nghiệp và đơn vị thành lập mới. Trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 660 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng, tăng 11% về lượng và giảm 69% về vốn so với cùng kỳ. Dự kiến cấp đăng ký thành lập mới năm 2024 đạt khoảng 800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3.300 tỷ đồng
Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 100% chi phí chuyển phát qua đường bưu điện đối với kết quả hồ sơ đăng ký kinh doanh và chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh 100% qua mạng điện tử và trả kết quả 100% qua dịch vụ bưu chính công ích.
Liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Thừa Thiên Huế đã nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp lên cao hơn so với quy định tại Nghị định 80 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, thực hiện chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các Khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ chữ ký số công cộng, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới.
Theo ông Phương, hiện các DNNVV đang chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dù Đảng, Chính phủ đã có các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV, tuy nhiên việc các DNNVV tiếp cận các cơ chế và chính sách vẫn đang còn khó khăn.
Ông Phương cho rằng, nếu các chính sách hỗ trợ thực tế, trực tiếp của địa phương dễ đến tay doanh nghiệp, thì các chính sách của Trung ương như miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi xuất, hỗ trợ thuế vì quy trình thủ tục, hồ sơ dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp còn hết sức khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là DNNVV khó tiếp cận các gói tính dụng, nguồn vốn vay.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Việt Nam đang có đến 98% các DNNVV, 2% là các doanh nghiệp lớn.
Ông Tuấn cho hay, các DNNVV còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức chủ quan và khách quan.
Thời gian qua, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp đã chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng tới các cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ DNNVV từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong quy trình, thủ tục chi tiêu ngân sách
Ông Tuấn cho biết, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ DNNVV để công tác hỗ trợ DNNVVđi vào thực chất cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời đề nghị, các Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp. Xem vấn đề của doanh nghiệp như vấn đề của bản thân mình.