Chi tiết

Doanh nghiệp phân bón, lọc dầu hé lộ lợi nhuận quý II/2024

Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khiến giá thành sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước cao hơn

(ĐTCK)  Quý II/2024 được coi là không thuận lợi với các doanh nghiệp chế biến sâu ngành dầu khí, do giá đầu vào tăng cao trong khi nhu cầu ở mức thấp.

DCM: Tháng 6, lợi nhuận giảm dù doanh thu tăng

Trong báo cáo gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) ước tính, trong tháng 6/2024, sản lượng đạt 81.700 tấn urê quy đổi, tăng 9%; tiêu thụ urê 65.000 tấn, đạm chức năng 17.000 tấn, NPK 40.000 tấn, phân bón tự doanh 43.500 tấn; doanh thu ước đạt 1.603 tỷ đồng, tăng 49%, nhưng lợi nhuận trước thuế khoảng 74,4 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2023

Đạm Cà Mau cho biết, doanh thu tháng 6/2024 tăng so với kế hoạch và cùng kỳ do tổng sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng; lợi nhuận thấp so với cùng kỳ do phần tăng giá khí cao hơn phần tăng giá bán. Giá khí bình quân ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn 1,381 USD/Tr.BTU so với kế hoạch năm 2024 và cao hơn 0,731 USD/Tr.BTU so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh nghiệp dự báo, giá urê thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế của Ai Cập và thông tin Trung Quốc hạn chế xuất khẩu; giá bán trong nước tăng nhẹ do giao dịch tăng mạnh bởi nhu cầu tăng cao và tăng theo giá thế giới. Dự kiến, thị trường phân urê thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024, khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ hè – thu sắp tới.

Đáng lưu ý, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt khi hàng nhập khẩu từ các khu vực ngày càng được nhập về nhiều do lợi thế vì chi phí sản xuất thấp hơn so với các đơn vị sản xuất trong nước. Thêm vào đó, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, điều này đẩy giá thành sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước lên cao, gây khó khăn trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

DPM: Giá thành sản xuất tăng

Giá thành sản xuất phân bón và hóa chất trong quý II/2024 tăng do giá khí tăng, trong khi giá bán giảm; giá dầu hạ nhiệt kể từ giữa tháng 4…

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) cho hay, doanh thu tháng 5/2024 ước đạt 1.296 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch tháng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đạt 5.405 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch 5 tháng. Giá thành sản xuất tháng 5/2024 tăng so với kế hoạch chủ yếu do giá khí tăng 16% so với giá kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế tháng 5/2024 ước đạt 38 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch tháng, vì giá thành sản xuất phân bón và hóa chất tăng do giá khí tăng cao, trong khi giá bán phân bón trên thị trường giảm so với các tháng trước.

PVFCCo kỳ vọng, khu vực Đông Nam Bộ sẽ có mưa nhiều hơn, kéo theo nhu cầu phân bón chăm bón đầu mùa mưa cho cây công nghiệp gia tăng. Tương tự, Tây Nam Bộ có mưa trên diện rộng sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón, giúp giá có xu hướng ổn định theo hướng đi lên.

Nhu cầu nhập khẩu urê tại châu Âu đang có sự cải thiện, nhưng điều này chủ yếu giới hạn ở các giao dịch kỳ hạn tháng 7 và tháng 8, với giá ở mức thấp hơn mức dự kiến. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể quay trở lại, khi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn có triển vọng tăng từ tháng 7 trở đi.

Hiện tại, giao dịch trên thị trường urê vẫn ở mức khá thấp do thiếu nhu cầu giao ngay. Đông Nam Á vẫn là thị trường có giá cao hơn các khu vực khác nhờ được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng nhu cầu chưa tăng mạnh do chưa có mưa nhiều. Giá urê hạt trong dao động từ 260 – 315 USD/tấn, tùy theo khu vực, thấp nhất là Baltic Sea FOB (260 USD/tấn) và cao nhất là China FOB (315 USD/tấn). Giá urê hạt đục dao động từ 275 – 320 USD/tấn, tùy theo khu vực

Khu vực miền Bắc, mùa vụ đang đến giai đoạn cuối tại Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, cây rau màu trong giai đoạn bón thúc, còn Trung du và Miền núi cơ bản đã hoàn thành việc bón phân, nên nhu cầu toàn vùng không cao.

Ở miền Trung, Đồng bằng duyên hải miền Trung tháng 5/2024 xuống giống lúa hè – thu, với nhu cầu chăm bón đợt 1. Khu vực Tây Nguyên, cà phê chuẩn bị vào đợt chăm bón đầu mùa mưa, nhu cầu chính là urê và NPK 2-2-1. Tuy nhiên, giá urê hiện có xu hướng giảm, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu hầu như chưa tăng.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, nhu cầu urê có cải thiện, tăng không đáng kể, mặt bằng giá urê các loại gần đây có dấu hiệu ổn định hơn so với trước.

Đối với khu vực Tây Nam Bộ, mùa vụ không đồng đều tại các địa phương, giá phân bón biến động liên tục nên khách hàng thận trọng nghe ngóng và hạn chế nhập hàng, thị trường giao dịch chậm. Nhìn chung, giá bán phân bón trong nước có xu hướng giảm.

BSR: Lợi nhuận quý II âm vì bảo dưỡng nhà máy

Tháng 4/2024 trùng với giai đoạn bảo dưỡng tổng thể nhà máy lọc dầu nên Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) ghi nhận doanh thu 2.444 tỷ đồng, lợi nhuận âm 287 tỷ đồng. Sang tháng 5, Công ty đạt doanh thu 8.590 tỷ đồng, lợi nhuận âm 165 tỷ đồng.

Bình quân giá dầu Brent trong tháng 5/2024 là 82,59 USD/thùng, giảm 7,56 USD/thùng, tương ứng giảm 8,4% so với tháng 4. Bên cạnh đó, khoảng chênh lệch giá sản phẩm và dầu thô tiếp tục giảm, Brent 3:2:1 crack spread trong tháng 5/2024 là 12,59 USD/thùng, thấp nhất kể từ đầu năm nay. Điều này đã tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của BSR.

Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2024, BSR đạt lợi nhuận 819 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm 2024, do kế hoạch ở mức thấp so với năm 2023. Trong tháng 6, doanh nghiệp ước đạt doanh thu hợp nhất 10.518 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 167 tỷ đồng.

Giá dầu thô Brent hiện có mức tăng khoảng 8% so với đầu năm 2024, nhờ vào việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ và xung đột ở Trung Đông, nhưng giá hạ nhiệt kể từ giữa tháng 4 khi căng thẳng địa chính trị giảm bớt. Chênh lệch giá kỳ hạn gần (prompt spread) của dầu thô Brent đang tiến gần đến cấu trúc contango giảm giá, điều này báo hiệu tình trạng dư cung.

Giá dầu điều chỉnh do thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Lãi suất cao hơn có thể làm kinh tế tăng trưởng chậm lại và gây áp lực lên nhu cầu dầu. Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ xăng có dấu hiệu giảm vì áp lực lạm phát.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày và năm 2025 ở mức 1,8 triệu thùng/ngày, khi ngày càng khó chắc chắc về lộ trình lãi suất của Fed.

Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong năm 2024, do nhu cầu trong quý I giảm tại các nền kinh tế phát triển vì mùa đông ấm áp bất thường và số lượng xe sử dụng động cơ diesel giảm.

Báo cáo mới nhất của IEA cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 140.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó; tổng nhu cầu dầu đạt khoảng 103 triệu thùng/ngày. Thực tế, nhu cầu dầu tại các nước thuộc OECD giảm 70.000 thùng/ngày trong quý I/2024. Dự báo của IEA về nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2025 vẫn không thay đổi, đó là tăng 1,2 triệu thùng/ngày lên 104 triệu thùng/ngày.

Các nhà phân tích của Citi dự báo, giá dầu có thể đạt trung bình 86 USD/thùng trong quý II/2024, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm xuống 74 USD/thùng trong quý III/2024.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-phan-bon-loc-dau-he-lo-loi-nhuan-post348945.html