Chi tiết

Doanh nghiệp trên sàn chứng khoán ở “đầu nguồn sông Mê Kông” kinh doanh ra sao?

Doanh nghiệp trên sàn chứng khoán ở “đầu nguồn sông Mê Kông” kinh doanh ra sao?

Có vị trí địa lý tương đối đặc biệt, ở địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nơi đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam, An Giang là tỉnh có dân số đông nhất miền Tây với hơn 1.9 triệu người. Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đặt trụ sở tại An Giang là những ai và kinh doanh ra sao?

 

An Giang nằm phía Tây Nam của Việt Nam, là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, cách TPHCM gần 200km. Phía Đông giáp Đồng Tháp; phía Đông Nam giáp Cần Thơ; phía Tây giáp Kiên Giang; phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100km. Dân số An Giang đến hết ngày 30/06/2024 hơn 1.9 triệu người, đông dân nhất khu vực Tây Nam bộ (miền Tây).

Tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia.

Kinh tế của tỉnh An Giang những năm qua phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh khu vực thương mại – dịch vụ và giảm dần khu vực nông nghiệp. Là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, nông nghiệp, thủy sản, rau màu được xác định là 3 ngành chủ lực của tỉnh.

Vì vậy, cũng dễ hiểu các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đặt trụ sở tại An Giang phần lớn có ngành nghề kinh doanh là thực phẩm. Với 15 doanh nghiệp trên sàn, An Giang là tỉnh đứng thứ 2 về số lượng các doanh nghiệp tại miền Tây trên sàn chứng khoán, chỉ sau Cần Thơ 16 đơn vị.


Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, 15 doanh nghiệp có trụ sở tại An Giang trong hơn 1,600 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM), có 10 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 3/2024, phần lớn là công ty có vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, 6 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng, 2 giảm và 2 lãi chuyển lỗ.

Phần lớn doanh nghiệp thực phẩm đều tăng trưởng

Là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới – CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV) dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 khi đạt gần 28 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ. ANV cho biết lợi nhuận tăng do doanh thu thuần tăng 22% lên 1,341 tỷ đồng nhờ sản lượng bán thành phẩm tăng tăng.

Dù doanh thu chỉ gần 359 tỷ đồng, giảm 41% do nguồn hàng hóa kinh doanh thương mại trong kỳ biến động giá mạnh nhưng CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) vẫn lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, nhờ chi phí lãi vay giảm và doanh thu tài chính tăng chủ yếu đến từ lãi trễ hạn thanh toán.

AFX là một trong những doanh nghiệp đầu ngành lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi khu vực miền Tây. AFX chủ yếu xuất khẩu gạo, nông sản cho các thị trường châu Á và nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc từ châu Mỹ latin, châu Á và châu Âu.

Nhờ quản lý chi phí đầu vào, có nhiều khuyến mại kích thích bán hàng kênh nhà thuốc, doanh thu thuần của Dược phẩm Agimexpharm (UPCoM: AGP) đạt gần 199 tỷ đồng, lãi ròng gần 13 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 17%, đây cũng là công ty dược duy nhất nằm trong nhóm tăng trưởng.

Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) có doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong nhóm doanh nghiệp An Giang trên sàn trong quý 3 với lần lượt hơn 3.2 ngàn tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ASM mang về doanh thu 9,154 tỷ đồng và lãi ròng hơn 196 tỷ đồng, không biến động nhiều so cùng kỳ.

Mặc dù ngành nghề chính là bất động sản nhưng mảng này chỉ đóng góp chưa đầy 1% trong tổng doanh thu 9 tháng của ASM với giá trị gần 48 tỷ đồng; trong khi mảng thủy sản chiếm hơn 57% với doanh thu thức ăn cá 3,153 tỷ đồng và cá xuất khẩu hơn 2,078 tỷ đồng. Phần lớn đến từ công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (HOSE: IDI) có trụ sở chính tại tỉnh Đồng Tháp.


Theo Tập đoàn Sao Mai, ĐBSCL nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá của thế giới trong đó cá tra là một sản vật quý được thiên nhiên ban tặng. Do đó, năm 2007, Tập đoàn Sao Mai đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Sao Mai quy mô 30ha tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (cũng là trụ sở của IDI). Hiện, ASM đang sở hữu 2 nhà máy chế biến cá tra đông lạnh với công suất 900 tấn nguyên liệu/ngày, 4 kho lạnh với tổng sức chứa 40,000 tấn…

Ngược lại, Điện Nước An Giang (UPCoM: DNA) có lợi nhuận ròng giảm mạnh nhất 43%, còn gần 30 tỷ đồng, do DNA đã thi công hoàn chỉnh và đưa vào quyết toán rất nhiều công trình cải tạo, sửa chữa điện nước, thay thế đồng hồ để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện nước của người dân và đảm bảo chỉ tiêu thay thế đồng hồ điện nước theo quy định khiến lợi nhuận giảm.

Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) lợi nhuận giảm 30% về còn hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ là CTCP Cảng An Giang (HNX: CAG) lỗ gần 1 tỷ đồng và CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM) lỗ hơn 13 tỷ đồng.


KQKD quý 3/2024 của các doanh nghiệp có trụ sở tại An Giang (Đvt: Tỷ đồng)


Nguồn: VietstockFinance

Ở nhóm doanh nghiệp chưa công bố BCTC, đáng chú ý là tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Lộc Trời (UPCoM: LTG) gặp phải sự kiện bất khả kháng nên tiếp tục xin gia hạn công bố BCTC quý 3/2024. Doanh nghiệp này cũng chưa thể công bố BCTC quý 2 và BCTC bán niên 2024 soát xét với cùng lý do trên. Điều này đã khiến hơn 100 triệu cp LTG bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần) kể từ ngày 24/10/2024.

Khép phiên 25/11, giá cổ phiếu LTG tạm dừng 7,800 đồng/cp, giảm 70% so với đầu năm 2024.

* Lộc Trời chốt 20/12 họp bất thường về nhân sự

* Lộc Trời (LTG): Rủi ro tài chính tăng cùng tham vọng ngành gạo hậu M&A công ty Lộc Nhân

Tương tự, CTCP Việt An (UPCoM: AVF) chậm nộp BCTC bán niên 2021, 2022, 2023 và 2024 và không họp ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất khiến cổ phiếu AVF bị hạn chế giao dịch. Giá cổ phiếu bất động so với đầu năm, khép phiên 25/11 ở 400 đồng/cp.

Cổ phiếu của CTCP Ntaco (UPCoM: ATA) cũng bị hạn chế giao dịch do bị kiểm toán từ chối cho ý kiến và vốn chủ sở hữu âm trong BCTC năm 2023. Giá cổ phiếu ATA khép phiên 25/11 ở 500 đồng/cp, giảm 55% so với đầu năm.

Hơn 1 ngàn doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 10 tháng

Theo Cục thống kê An Giang, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6.5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 6.4%). Cơ cấu kinh tế cho thấy đứng đầu là dịch vụ chiếm 46.16%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đứng thứ 2 với 35.5%.


Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của An Giang đứng thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 21 cả nước.


Nguồn: Cục thống kê An Giang

Theo UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng năm 2024 ước tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt gần 192 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 16%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa gần 1.22 tỷ USD, tăng 6.5%. Doanh thu du lịch 9.9 ngàn tỷ đồng, vượt 60% kế hoạch năm.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm đạt 1,061 doanh nghiệp, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Trong đó, đăng ký mới 818 doanh nghiệp, tăng hơn 7% với tổng số vốn đăng ký 5,712 tỷ đồng, tăng hơn 11%; số hoạt động trở lại 243 doanh nghiệp, tăng 28 doanh nghiệp.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (trong đó 9 dự án thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý), tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện 178 triệu USD (chiếm hơn 68% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Theo Sở Giao thông Vận tải, An Giang đang tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông giai đoạn năm 2021 – 2025. Tỉnh đã thẩm định, phê duyệt tổng kinh phí đầu tư, hơn 24,300 tỷ đồng. Trong đó 9 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, chiều dài 190km; mở mới 3 tuyến (tuyến tránh Long xuyên, tuyến N1, tuyến cao tốc thuộc dự án thành phần 1 cao tốc Châu đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), chiều dài gần 100km…

Thanh Tú

FILI



Source link