Chi tiết

Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra cánh tay robot nấu phở chuyên nghiệp là điểm nhấn tại sự kiện thu hút gần 11 vạn người

Mỗi bát phở được chế biến trong 3-4 phút, sau đó robot chuyển bát phở qua một robot khác để đưa đến bàn phục vụ.

Từ ngày 29/11 đến 1/12, lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 với chủ đề “Hà Nội kết nối năm châu” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra tại Công viên Thống Nhất đã thu hút gần 11 vạn người dân và du khách trong nước lẫn quốc tế.

Tại lễ hội, không gian ẩm thực Hà Nội được tái hiện qua các món ăn nổi tiếng như phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, cốm làng Vòng, bún Phú Đô, bánh chưng Tranh Khúc… Trong số đó, không gian “Phở số Hà thành” trở thành tâm điểm chú ý nhờ sự xuất hiện của robot nấu phở – công nghệ hiện đại lần đầu được trình diễn tại một sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô.

Robot nấu phở, thực chất là một cánh tay máy tự động, được lập trình để thực hiện quy trình nấu phở từ sắp xếp nguyên liệu, thêm gia vị, rau thơm, đến chan nước dùng. Các nguyên liệu được chuẩn bị sẵn và đặt trong những khay riêng, giúp robot thao tác chính xác. Mỗi bát phở được chế biến trong 3-4 phút, sau đó robot chuyển bát phở qua một robot khác để đưa đến bàn phục vụ.

Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra cánh tay robot nấu phở chuyên nghiệp là điểm nhấn tại sự kiện thu hút gần 11 vạn người
Cánh tay robot thuần thục nhiều công đoạn nấu phở

Dù tốc độ chế biến còn hạn chế so với con người, robot này đã thu hút đông đảo khách tham quan. Từ 18h30, người dân xếp hàng dài để gọi món, vừa chờ thưởng thức vừa theo dõi robot thao tác. Một số khách cho biết, họ thích thú khi chứng kiến tận mắt công nghệ mới này, đồng thời cảm thấy ấn tượng với sự kết hợp giữa truyền thống ẩm thực và tự động hóa hiện đại.

Công nghệ robot nấu phở được phát triển bởi Công ty Cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật Cơ khí Chính xác (RPMEC). Tiền thân của RPMEC là Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Cơ khí Chính xác, thành lập năm 1985 theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đơn vị này chuyên nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm cơ khí chính xác, tự động hóa và chuyển giao công nghệ.

Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra cánh tay robot nấu phở chuyên nghiệp là điểm nhấn tại sự kiện thu hút gần 11 vạn người
Robot chan nước dùng

Năm 2012, RPMEC được tái cấu trúc thành công ty cổ phần để phù hợp với chủ trương đổi mới doanh nghiệp của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trụ sở chính của công ty đặt tại nhà C8B, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện nay, RPMEC hoạt động trên ba lĩnh vực chính: giải pháp tự động hóa và robot, thiết bị đào tạo tự động hóa, và thiết bị thủy lực.

RPMEC cũng là nhà phân phối chính thức của Doosan Robotics, một thương hiệu robot hợp tác hàng đầu thế giới. Doosan Robotics là công ty con thuộc tập đoàn Doosan Hàn Quốc, đang dẫn đầu thị trường cobot (được hiểu là robot cộng tác, được thiết kế để có thể làm việc cùng với con người trong một không gian chung) tại Hàn Quốc và đứng thứ tư toàn cầu về thị phần ngoài Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra cánh tay robot nấu phở chuyên nghiệp là điểm nhấn tại sự kiện thu hút gần 11 vạn người
Robot phục vụ phở tới thực khách

Khảo sát thường niên World Robotics 2024 của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) cho thấy, việc ứng dụng robot trong các nhà máy toàn cầu tăng mạnh, với mật độ robot trung bình đạt 162 đơn vị/10.000 nhân viên năm 2023, gấp đôi so với 74 đơn vị cách đây 7 năm.

Hàn Quốc dẫn đầu với 1.012 robot/10.000 nhân viên, khi hơn 10% lực lượng lao động nước này đã được thay thế bằng robot, tăng trung bình 5% mỗi năm từ 2018. Singapore xếp thứ hai (770 robot), Trung Quốc vượt Đức và Nhật Bản ở vị trí thứ ba (470 robot), trong khi Mỹ đứng cuối top 10 với 295 robot/10.000 nhân viên.

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 không chỉ tôn vinh tinh hoa ẩm thực truyền thống mà còn mang đến cơ hội kết nối với các công nghệ hiện đại. Sự xuất hiện của robot nấu phở là minh chứng sống động cho việc ứng dụng công nghệ tự động hóa vào đời sống, tạo sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Với sự góp mặt của RPMEC cùng các sản phẩm sáng tạo, sự kiện không chỉ quảng bá nét đẹp văn hóa Hà Nội mà còn mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao.



Nguồn tin