Kể từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp thầu xây dựng rơi vào tình cảnh khó khăn khi trải qua 3 năm dịch bệnh, giá nguyên vật liệu tăng chóng mặt, kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng,… Những biến cố đó khiến doanh nghiệp giảm giá thầu, dẫn đến tình trạng càng làm càng lỗ nhưng không làm thì không có nguồn việc duy trì đội ngũ nhân công.
Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, khoảng 70% nhà thầu xây dựng phải nằm im chờ thời hoặc sa thải bớt nhân viên. Một vấn đề nan giải của các doanh nghiệp thầu là công nợ lớn. Thị trường bất động sản ảm đạm, chủ đầu tư mất thanh khoản đã ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của nhà thầu xây dựng.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ điêu đứng, các “ông lớn” đầu ngành cũng chung cảnh khốn đốn. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) sau khi doanh thu đạt đỉnh hơn 18.600 tỷ đồng vào năm 2019 thì bắt đầu giảm mạnh, đến 2023 chỉ còn 7.537 tỷ đồng. Đồng thời, công ty lỗ ròng hàng nghìn tỷ đồng 2 năm gần đây do trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Trong khi đó, “ông lớn” khác của ngành, Coteccons (mã: CTD) cũng có 3 năm liên tiếp lợi nhuận xuống dưới 100 tỷ đồng do chi phí trích lập dự phòng tăng cao.
Đối với nhà thầu hạ tầng như Lizen (mã: LCG), Vinaconex (mã: VCG), Fecon (mã: FCN)… tuy doanh thu, nguồn việc được duy trì nhờ chính sách thúc đẩy đầu tư công nhưng biên lợi nhuận bị co hẹp, lợi nhuận đi xuống. Không chỉ vậy, nhóm này còn phải chịu sự cạnh tranh từ nhóm thầu dân dụng chuyển qua, ngay cả những doanh nghiệp “máu mặt” trong mảng dân dụng như Xây dựng Hòa Bình và Coteccons cũng tuyên bố mở rộng lĩnh vực xây dựng hạ tầng để đa dạng hóa doanh thu.
Nhiều động lực phục hồi
Sự đình trệ của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xây dựng dân dụng điêu đứng. Song, 3 bộ Luật liên quan đến thị trường bất động sản (gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi) có hiệu lực từ 1/8 kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, dự án có thể được tái khởi động.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng công bố trúng thầu các dự án lớn. Vào 29/10, Xây dựng Hòa Bình công bố đã trúng thầu dự án Eaton Park trị giá 1.900 tỷ đồng do Công ty cổ phần địa ốc Tâm Lực thuộc Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) làm chủ đầu tư. Đến 26/11, tập đoàn thông tin trúng thầu tiếp dự án Newtown Diamond trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp Newtown do Công ty TNHH Phát triển Newtown làm chủ đầu tư, tọa lạc trên quỹ đất 1,4 ha tại thành phố Đà Nẵng.
Trong tháng 11, Newtecons – doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT công bố khởi công 2 dự án lớn. Đó là dự án Lumi Hà Nội – khu căn hộ cao cấp tại đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội quy mô khoảng 4.000 căn hộ và dự án Masteri Lakeside tại Hà Nội gồm 3 tòa tháp từ 34 – 38 tầng. Tại dự án Lumi Hà Nội, Newtecons cùng với Ricons, SOL E&C là các nhà tầu chính. Tại Masteri Lakeside, Newtecons tham gia với vai trò tổng thầu thi công gói cọc và kết cấu hầm.
Coteccons cho biết cùng đơn vị thành viên Unicons đã trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, và cơ sở hạ tầng, với tổng giá trị lên đến 10.300 tỷ đồng tính từ đầu năm tài chính 2025 (1/7/2024) tới nay. Trong đó, có khá nhiều chủ đầu tư đã từng hợp tác với doanh nghiệp tiếp tục đồng hành ở dự án mới, tỷ lệ repeat sales/tổng số dự án trúng thầu lên tới 69%.
Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 mà Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5% – 7%, phấn đấu 7 – 7,5%. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp mạnh hơn trong tháo gỡ thể chế, vướng mắc để phục hồi và phát triển các loại thị trường, nhất là vàng, trái phiếu và bất động sản. Nhờ vậy, thời gian tới có thể chứng kiến nhiều dự án được khởi động lại hơn nữa, tạo nguồn việc dồi dào cho doanh nghiệp xây dựng.
Bên cạnh đó, đầu tư công được xác định là trụ cột tăng trưởng không thể thiếu. Theo Chứng khoán Mirea Asset, Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 2417/QĐ-BTC công bố thông tin nợ công của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023, các chỉ tiêu nợ đều nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội phê duyệt. Cụ thể, nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2023 là 36,4% GDP, cách xa mức trần Quốc hội đề ra (60%); nợ Chính phủ 33,5% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (50%). Nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 32,7% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (50%).
Đồng thời ngân sách nhà nước sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19 đã thặng dư trở lại trong 2 năm liên tiếp là 2022 và 2023. Khi ngân sách thặng dư và nợ công ở mức thấp, Chính phủ có thể tận dụng để đẩy mạnh đầu tư công vào các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển…
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, đánh giá đầu tư công vẫn là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế năm sau. Nếu đầu tư công đi đầu trong việc phát triển hạ tầng sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt là khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ với các chính sách thuế quan đối với Trung Quốc có thể dẫn đến làn sóng dịch chuyển nhà máy.
Khi đó, các doanh nghiệp xây lắp, thi công hạ tầng cầu, đường, hay xây dựng công nghiệp như CII, Đèo Cả, Đạt Phương, Lizen, Vinaconex… đều có cơ hội tiếp cận nguồn công việc lớn.
Ngoài ra, quy hoạch điện VIII đã được ban hành và các văn bản hướng dẫn đang dần được hoàn thiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi động lại các dự án điện gió, điện rác, điện hạt nhân…
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Tùng Lâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) chia sẻ khi các dự án bất động sản và năng lượng của tập đoàn khởi sắc thì Tracodi – đơn vị phụ trách mảng xây lắp của tập đoàn sẽ hưởng lợi nhiều từ việc thi công dự án.
Lợi nhuận khởi sắc
Trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp ghi nhận điểm sáng nhất định.
Coteccons báo cáo doanh thu năm tài chính 2023 – 2024 đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31,2% so với niên độ trước, chưa thể bằng thời kỳ trước dịch bệnh nhưng là mức cao nhất 5 năm gần đây. Lợi nhuận sau thuế 309 tỷ đồng, gấp 4,6 lần. Qua đến quý đầu niên độ 2024 – 2025 (1/7 – 30/9), doanh thu công ty tăng nhẹ lên 4.759 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 39% lên 93 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ xấu Coteccons đã tăng gấp đôi từ 1.131 tỷ đồng lên 2.242 tỷ đồng trong 3 năm qua, trích lập dự phòng tăng từ 626 tỷ đồng lên 1.355 tỷ đồng. Song, qua đến quý đầu niên độ 2024 – 2025, nợ xấu hạ nhiệt khi giảm nhẹ xuống 2.162 tỷ đồng, tức giảm được 81 tỷ đồng. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 – 2025, lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ với tín hiệu tích cực và phục hồi của năm 2025, doanh nghiệp tự tin không tăng giá trị trích lập dự phòng và không tăng nợ xấu của công ty.
Tại Xây dựng Hòa Bình, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục giảm xuống 11,3% xuống 4.787 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp co hẹp từ 4,2% xuống 3,45% trong 9 tháng. Song, nhờ tích cực thu hồi công nợ và thanh lý tài sản công ty có lãi sau thuế 842 tỷ đồng. Điều này giúp công ty khắc phục được tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và có thêm dòng tiền kinh doanh.
Vinaconex báo cáo doanh thu 9 tháng giảm 9% xuống 8.139 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 177% lên 641 tỷ đồng. HHV báo lợi nhuận tăng 15,3%, CII gấp 4,2 lần, Licogi – 19 gấp 6,2 lần, Lizen tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.