Từ kinh doanh băng đĩa… đến Madam Vietjet
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1970) tại Hà Nội và may mắn có cơ hội được đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính ở Liên Xô năm 17 tuổi.
Bà Thảo nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm.
Ngay khi mới chỉ là sinh viên năm thứ 2, nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) sang Đông Âu…
Ngược lại, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…
Khởi nghiệp với vốn liếng chỉ là chữ tín và sức lao động chăm chỉ đến phi thường của bản thân, việc kinh doanh bắt đầu lúc 5h và kết thúc lúc 2h ngày hôm sau là điều bình thường đối với Madam Vietjet lúc bấy giờ.
Chỉ sau đó vài năm, bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên khi mới 21 tuổi. Trở về Việt Nam, bà Thảo tập trung đầu tư vào 2 lĩnh vực chính là tài chính và bất động sản. Nữ tỷ phú USD này góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, tiếp đó là Ngân hàng VIB, hai trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Đầu tư đa ngành nhưng tên tuổi của bà Nguyễn Thị Phương Thảo phần lớn gắn liền với Vietjet Air. Vietjet Air nhận được giấy phép kinh doanh vào năm 2007, được định hướng phát triển theo mô hình bay giá rẻ.
Hiện, Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không tư nhân chiếm thị phần lớn trong ngành.
Hệ sinh thái đa ngành
Ngoài hàng không, bà Thảo còn đầu tư vào bất động sản thông qua Sovico Holdingsdoanh nghiệp được biết đến với nhiều thương vụ đầu tư bất động sản lớn ở cả Việt Nam và nước ngoài và là cổ đông sáng lập của hãng hàng không tư nhân VietJet Air.
Sovico Holdings hiện kinh doanh trên 4 lĩnh vực chính là bất động sản; Đầu tư tài chính – ngân hàng; Điện – năng lượng và Hàng không.
Một số những thương vụ đình đám của Sovico Holdings có thể kể đến như: mua lại resort Furama (resort xứng tầm 5 sao duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó), L’Alyana Ninh Vân Bay và Ana Mandara Cam Ranh (Khánh Hòa), CTCP Địa ốc Phú Long (chủ đầu tư dự án Dragon City),…
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT và nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, MCK: HDB)
Hiện, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam theo danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố; bên cạnh những “cái tên” quen thuộc gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco),..
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng- chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng là doanh nhân thuộc thế hệ 6x,7x lập nghiệp ở Đông Âu.
Ngoài Tập đoàn Sovico, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao cấp ở 1 số doanh nghiệp khác như: HDBank, CTCP dầu khí Đông Đô, CTCP Hàng không Vietjet.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng có một người con trai là Nguyễn Phước Hùng Anh Victor (tên tiếng Anh là Tommy Nguyễn).
Khác với nhiều “thế hệ F2” nhà đại gia Việt, Nguyễn Phước Hùng Anh Victor không làm việc tại công ty của bố mẹ mà bắt đầu khởi nghiệp và tự kinh doanh.
Trong lần hiếm hoi xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Phước Hùng Anh Victor được giới thiệu là Co-founder của startup Swift 247. Đây là công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát siêu tốc thông qua đường hàng không.