Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành có hiệu lực từ năm 2014, quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cho biết họ gần như không được miễn thuế đồng nào vì doanh thu luôn cao hơn 100 triệu đồng/năm.
“Quá lạc hậu”
Bà Ma Thị Mỹ Hương, chủ hộ kinh doanh Bánh mì Pate – hương vị Pleiku (đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đã phải đóng các loại thuế, không cần lỗ hay lãi, là chưa hợp lý. Cơ sở của bà hiện đóng thuế khoán khoảng 900.000 đồng/tháng với phần doanh thu bán hàng trực tiếp và đang dự trù thêm phần thuế 4% phải đóng cho doanh thu bán hàng qua các ứng dụng (app) GrabFood, ShoppeFood.
Bà Hương cho biết doanh thu mỗi tháng của cơ sở này là hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lời hơn 15 triệu đồng nhưng chưa tính lương của chủ cơ sở. “Hiện tại, tôi kinh doanh đúng kiểu lấy công làm lời nhưng đóng thuế còn cao hơn thu nhập người làm thuê vì họ được khấu trừ gia cảnh” – bà so sánh.
Do đó, bà Hương kiến nghị nên đưa mức doanh thu phải đóng thuế đối với hộ kinh doanh lên trên mức đóng thuế TNCN của người làm công. Ví dụ, một hộ kinh doanh với doanh thu 132 triệu đồng/năm (tương đương 11 triệu đồng/tháng) nên được miễn thuế, phần vượt lên mới phải đóng thuế.
Chị Tô Thị Như Ngọc, chủ cơ sở kinh doanh Như Ngọc (chuyên thu mua, phân phối mặt hàng táo Ninh Thuận), cho biết do không phải là doanh nghiệp nên cơ sở của chị không được khấu trừ hóa đơn, chi phí đầu vào mà phải đóng thuế khoán 1,5% trên tổng doanh thu hằng tháng. Dù lời hay lỗ, cơ sở chị đều phải đóng.
“Làm ăn bây giờ rất khó khăn, chúng tôi phải chắt chiu từng khoản thu – chi mới có thể cân đối được tài chính. Hiện giá táo tăng cao, chi phí vận chuyển, bao bì, nhân công… cũng tăng nhưng giá bán ra không tăng. Có thời điểm chi phí quá lớn, cơ sở không có lợi nhuận. Mong sao nhà nước sớm tính toán lại chính sách thuế, tạo điều kiện cho những cơ sở như chúng tôi có lợi nhuận tích lũy để tái đầu tư, phát triển kinh doanh” – chị Ngọc tâm sự.
Theo chuyên gia ngành dịch vụ ăn uống Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director – Horeca Business School, đa số hộ kinh doanh ẩm thực hiện chọn thuế khoán vì tính đơn giản và hầu hết không có nhu cầu xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng. Trong 4,5% thuế hộ kinh doanh phải đóng thì có 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN. Hiện nay, thông tin trên báo chí mới đề cập mức tăng doanh thu tính thuế GTGT mà chưa đề cập doanh thu tính thuế TNCN.
“Hiện tại, TNCN đối với người lao động được miễn thuế là 132 triệu đồng/năm, trong khi hộ kinh doanh chủ yếu lấy công làm lời mà áp thuế từ 100 triệu đồng/năm là chưa hợp lý. Mức quy định đóng thuế trên 100 triệu đồng/năm đã áp dụng gần 10 năm nên việc tăng là hợp lý, thay đổi vì yếu tố lạm phát” – ông Thanh nhận định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nêu bất cập trong ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT hiện hành. Ông Tuấn dẫn chứng cá nhân hiện nay làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có 1 người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Giả định trung bình mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT của cá nhân kinh doanh. Để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh phải mất các chi phí đầu vào, trong khi TNCN thì không có những chi phí này. Do đó, VCCI kiến nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT đối với cá nhân, hộ kinh doanh.
Có thể nâng lên 200-300 triệu đồng/năm
Trước những bất cập của luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án về diện không chịu thuế GTGT với cá nhân, hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).
Phương án 1, cá nhân, hộ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không chịu thuế GTGT. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu phù hợp với biến động giá, phát triển kinh tế – xã hội. Phương án 2, mức doanh thu không tính thuế GTGT do Chính phủ quy định.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng với mức tăng trưởng kinh tế hiện nay, mức thu bình quân của các hộ kinh doanh đã tăng lên 285 triệu đồng một năm. Vì thế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm dưới 200 hoặc 300 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế GTGT; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức phù hợp.
Theo ông Lê Quang Mạnh, các phương án – mức 200 triệu hay 300 triệu đồng – đều đã được đánh giá tác động đầy đủ. Theo đó, nếu ngưỡng chịu thuế nâng lên 200 triệu đồng/năm đối với cá nhân, hộ kinh doanh thì số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 2.630 tỉ đồng/năm. Nếu ngưỡng chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số thu giảm khoảng 6.383 tỉ đồng.
“Song, nếu áp dụng ngưỡng 300 triệu đồng thì chúng ta sẽ có 3 điểm lợi. Thứ nhất, sẽ khoan được sức dân, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thứ hai, chúng ta sẽ có chính sách tương đối ổn định trong khoảng thời gian nhất định. Thứ ba, với 97% doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ, đây sẽ là nhóm đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này” – ông Lê Quang Mạnh nêu rõ và cho rằng ngưỡng chịu thuế 300 triệu đồng/năm sẽ phù hợp hơn.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, mức điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT lên 200 triệu đồng/năm là phù hợp với biến động giá, thực tế phát triển kinh tế – xã hội. Sự điều chỉnh này cũng nhằm minh bạch việc quản lý, thu thuế đối với khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước, tránh tình trạng áp thuế khoán dựa theo “mối quan hệ” giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế địa phương.
“Mô hình hộ kinh doanh thường có quy mô nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ, hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng và đóng thuế khoán, không được giảm trừ gia cảnh, chi phí đầu vào… Luật hiện hành cho phép hộ kinh doanh nếu có doanh thu lớn thì có thể chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp để hoạt động và hưởng các quyền lợi của doanh nghiệp” – ông Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, nhận định với đà tăng giá hàng hóa trong nhiều năm qua, việc tăng gấp đôi doanh thu chịu thuế hộ kinh doanh lên 200 triệu đồng/năm là hợp lý. Khi đó, số lượng hộ kinh doanh phải nộp thuế sẽ giảm xuống. Hiện nay, có khá nhiều hộ doanh thu trên 100 triệu đồng nhưng chưa đến 200 triệu đồng/năm, nhất là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, cho thuê nhà trọ…
Tuy vậy, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kế toán thuế DVL, cho rằng ngưỡng doanh thu không chịu thuế dưới 200 triệu đồng/năm sẽ lạc hậu ngay tại thời điểm ban hành. Bởi lẽ, hiện nay doanh thu của hộ kinh doanh cao hơn rất nhiều. Thế nên, ông Hồng đề xuất nhà nước có thể tăng doanh thu không chịu thuế lên dưới 300 triệu đồng/năm, kèm theo quy định sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa (chuyên gia về thuế), cho biết lợi nhận của hộ kinh doanh chỉ khoảng 10%. Thế nên, doanh thu chịu thuế cần tăng lên 30 triệu đồng/ tháng (360 triệu đồng/năm). Khi đó, các hộ này sẽ phấn đấu đạt lợi nhuận ít nhất 3 triệu đồng/tháng (36 triệu đồng/năm) và phải đóng thuế là hợp lý.
200 triệu đồng vẫn thấp?
Ở góc độ người nộp thuế, bà Xuân Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo online-offline tại TP HCM, cho rằng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm cũng chưa phù hợp. Bởi lẽ, đặc thù kinh doanh ngành này là thường có doanh thu gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần ngưỡng 200 triệu đồng nhưng lợi nhuận rất mỏng do phải chịu đủ loại chi phí.
“Doanh thu cửa hàng tôi có thể đạt đến 1 tỉ đồng/năm nhưng nếu trừ các chi phí như vốn, nhân sự, mặt bằng, phí sàn thì lợi nhuận có thể chỉ còn 150 triệu đồng/năm, chủ yếu lấy công làm lời, chưa tính rủi ro hàng lỗi phát sinh, hàng tồn… Do vậy, tôi đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế phải trên 600-700 triệu đồng/năm. Còn nếu thu thuế đối với doanh thu 200 triệu đồng trở lên, những cơ sở như chúng tôi khó trụ được lâu” – bà Hằng lo ngại.
Mua bán cần phải có hóa đơn để tính thuế
Đề cập ngưỡng doanh thu chịu thuế đối với hộ kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP HCM, đề xuất giải pháp trước mắt là giá hàng hóa tăng thì nhà nước tăng doanh thu chịu thuế lên mức hợp lý.
“Về lâu dài, ngành thuế cần tính đến tất cả hàng hóa mua bán đều phải có chứng từ, hóa đơn và áp dụng đối với mọi loại hình kinh doanh. Trên cơ sở đó và căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan thuế có thể tính hay không tính thuế với hộ kinh doanh, bảo đảm công bằng cho người nộp thuế” – ông Nam nhận xét.