Quy định mới về chào bán, phát hành chứng khoán
Trước đó ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Chứng khoán (có hiệu lực ngày 1/1/2025). Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi), khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK). Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Cụ thể, về chào bán, phát hành chứng khoán, dự thảo bổ sung các nội dung để quy định chi tiết và phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm: Bổ sung quy định tại Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về điều kiện liên quan đến hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu khi thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng theo điều giao tại điểm g khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, dự thảo Nghị định bổ sung các nội dung để thống nhất với Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm: Tại Điều 109 bổ sung điều kiện tổ chức đăng ký niêm yết phải đáp ứng là có “vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên” để phù hợp, thống nhất với việc bổ sung điều kiện này khi xem xét tiêu chí trở thành công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, dự thảo bổ sung các nội dung để phù hợp với Luật mới gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 150, Điều 302, Điều 305, Điều 310 để đảm bảo giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) hoặc công ty con của VSDC thực hiện, phù hợp với quy định mới; đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Gỡ vướng cho nhà đầu tư nước ngoài
Dự thảo cũng bỏ quy định tại Điều 139 cho phép đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp, cũng như giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp, từ đó tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam, thu hút khối ngoại; đồng thời sửa tương ứng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.
Tại Điều 141, Điều 142, dự thảo Nghị định cũng làm rõ trách nhiệm thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp cổ phần hóa là công ty đại chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Tại khoản 1 Điều 143 làm rõ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm cả quỹ thành viên phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như NĐTNN khi có họ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Bổ sung quy định tại Điều 310 quy định thời hạn các công ty đại chúng phải hoàn thành thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (trong vòng 6 tháng, kể từ ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành). Theo cơ quan soạn thảo, do hiện nay nhiều công ty đại chúng chưa hoàn thành thủ tục này nên thị trường chưa phản ánh đúng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng. Việc bổ sung quy định này cũng nhằm đảm bảo công ty đại chúng tuân thủ pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế có liên quan, phục vụ mục tiêu nâng hạng TTCK.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, những quy định được đưa ra tại dự thảo là kịp thời, góp phần hỗ trợ cho TTCK phát triển hơn. Trước mắt, những quy định đưa ra lấy ý kiến sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho nhà đầu tư về tiến trình nâng hạng.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia khác cũng cho rằng, dự thảo Nghị định tạo điều kiện để gỡ được một số điểm nghẽn với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng tiêu chí nâng hạng và thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.
“Tôi cho rằng, những quy định được nêu ra tại dự thảo đã gỡ được một vài nút thắt giúp cho việc tham gia của NĐTNN vào thị trường thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hướng tới việc nâng hạng thị trường ở những tiêu chuẩn cao hơn” – chuyên gia này cho hay.
(Theo Kinh tế chứng khoán)