Tại buổi chia sẻ trực tuyến về triển vọng kinh tế thế giới và khu vực ngày 5/12, các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định, kinh tế khu vực ASEAN sẽ có sức chống chịu tốt trước khả năng bị tác động cả trực tiếp và gián tiếp bởi các quy định thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến áp dụng trong nhiệm kỳ thứ hai.
Những nền kinh tế có nền tảng trong nước vững chắc sẽ hạn chế được tác động từ hiệu ứng của các căng thẳng thương mại trong thời gian tới. Ngược lại, những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Về triển vọng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bộ phận nghiên cứu của UOB đánh giá cả thương mại và FDI của ASEAN sẽ vẫn tăng trưởng đều đặn trong vòng nửa thập kỷ tới, nhờ vào ba yếu tố.
Thứ nhất, sẽ có một sự dịch chuyển chuỗi cung ứng về phía ASEAN nhờ chiến lược “Trung Quốc + 1” của các công ty, và tốc độ này có thể được đẩy nhanh do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Thứ hai, tỷ lệ nội địa hóa hàng hóa và giá trị gia tăng tại các nước ASEAN sẽ tăng lên, do các công ty tăng đầu tư trong khu vực.
Thứ ba, xu hướng phân tán rủi ro, hay còn gọi là chuyển hướng và tái cân bằng, sẽ đóng vai trò lớn trong thương mại của khu vực như đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số rủi ro đối với triển vọng thương mại và FDI trong khu vực, bao gồm: thuế quan mới hoặc nặng hơn có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư; ASEAN có thể là mục tiêu áp thuế quan của Mỹ, vốn có thâm hụt thương mại với một số nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia; và kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh tốc độ tăng trưởng.
Tác động từ chính sách thuế quan lên các nền kinh tế trong khu vực sẽ không đều nhau do hiệu ứng hủy diệt thương mại (trade destruction, chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc), chệch hướng thương mại (trade deflection, Trung Quốc tăng xuất khẩu sang các nước thứ ba như ASEAN), và tái định hướng thương mại (trade diversion, ASEAN tăng xuất khẩu sang Mỹ).
Bà Julia Goh, chuyên gia kinh tế cao cấp của UOB, nhận định, ASEAN sẽ tiếp tục thu hút các khoản đầu tư chất lượng cao từ các thị trường quốc tế, nhất là từ những nền kinh tế gắn với chiến lược đa dạng hóa toàn cầu trong các công đoạn chế biến chế tạo, bao gồm công nghệ và những thị trường mục tiêu có tầng lớp trung lưu gia tăng.
“Để thực hiện hóa điều này, các nền kinh tế ASEAN cần sẵn sàng thực hiện các thay đổi liên tục về cấu trúc trong lĩnh vực phát triển nhân lực, cải cách môi trường đầu tư theo hướng thân thiện và rõ ràng hơn, và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mới nổi”, bà Goh gợi ý.
Hơn nữa, dòng vốn đầu tư sẽ vẫn chảy về ASEAN do khu vực này còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong các ngành hàng tiêu dùng và các ngành này ít khả năng bị áp thuế quan cao, vốn nhắm tới những ngành có giá trị gia tăng cao và công nghệ.
Trả lời câu hỏi của Nhadautu.vn, chuyên gia UOB cho biết, hiện Việt Nam có thặng dư cao thứ ba trong các đối tác thương mại của Mỹ, và điều này có thể khiến Mỹ tăng thuế trực tiếp đối với hàng hóa từ Việt Nam, từ đó tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở kênh thương mại.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đối phó bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hàng hóa tại Việt Nam hoặc giao bớt công đoạn sản xuất cho công ty địa phương, chuyên gia UOB nói.
Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng nhanh nhất ASEAN-6
Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,6% trong năm 2025, mức cao nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6).
Xếp ngay sau Việt Nam là Philippines với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%. Malaysia và Singapore là hai nước được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm sau.
Tăng trưởng của khu vực ASEAN-6 được dự báo ở mức 4,8% cho cả 2024 và 2025. Mức tăng trưởng này cao hơn hẳn 3,2% của kinh tế thế giới trong cùng giai đoạn.
Đáng chú ý, cả Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn của ASEAN, đều được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm sau, tương ứng 1,8% và 4,6%.
Dự báo của UOB (có trụ sở chính tại Singapore) tương đồng với dự báo của Ngân hàng HSBC đưa ra vào tháng trước. Theo đó, HSBC dự phóng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% vào năm sau, giảm so với mức 7% cho năm nay, nhưng vẫn cao hơn nền kinh tế tăng nhanh thứ hai của ASEAN-6 là Philippines với 6,4%.