Chi tiết

Dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

(ĐTCK) Tính đến ngày 20/6/2024, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 4,17% so với đầu năm, huy động vốn tăng 1,17%. Tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc hơn so với sự “chậm rãi” của những tháng đầu năm, tuy nhiên, huy động vốn lại cho thấy một câu chuyện khác.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn ở vùng thấp kỷ lục

Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại bắt đầu hạ độ cao từ tháng 3/2023, sau khi tăng lên mức trung bình 9,5%/năm kỳ hạn 12 tháng (một số ngân hàng nhỏ còn thu hút tiền gửi với lãi suất trên 12%/năm).

Từ tháng 3-6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, với tổng mức giảm khoảng 2%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với nguồn vốn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 4,5%/năm xuống còn 3,0%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 4,75%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Trong bối cảnh nguồn vốn dư thừa do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân thấp, các ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm lãi suất huy động từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024.

Trong hai quý đầu năm nay, lãi suất huy động đã giảm về vùng thấp nhất trong lịch sử, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV… chỉ ở mức 4,7%năm; trong khi trung bình lãi suất của các nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở mức quanh 5%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động có xu hướng nhích lên từ tháng 5 năm nay, song đà tăng không đáng kể, trung bình quanh mức 5,2%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, chỉ có một vài ngân hàng quy mô nhỏ đưa lãi suất cao nhất lên mức 5,5%/năm. Tính đến cuối tháng 6/2024, nhóm Big4 vẫn giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục.

Lãi suất thấp phần nào làm cho kênh tiền gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3/2024, tiền gửi từ dân cư chỉ tăng 2,2% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,1% của cùng kỳ năm trước.

Nhìn về phía cuối năm, lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu do cầu tín dụng đã xuất hiện theo sự phục hồi của sản xuất. Tính đến ngày 20/6/2024, tín dụng toàn ngành ước tăng 4,17% so với đầu năm, bắt kịp đà tăng của năm 2023.

Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất sẽ không lớn do cầu tiêu dùng trong nước vẫn rất yếu. Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ chỉ tăng 4,5% (loại trừ yếu tố giá cả), thấp hơn rất nhiều so với trung bình 8% trong 5 năm gần đây (loại trừ năm 2021 do giãn cách xã hội).

Vì vậy, ước tính lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ tịnh tiến về mức 5,2 – 5,5%/năm về cuối năm. Tuy nhiên, mức này cũng chỉ tương đương với giai đoạn đại dịch Covid-19 (giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn). Điều này dấy lên câu hỏi liệu dòng tiền của dân cư có đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác ?

Thị trường bất động sản có tín hiệu sáng

Dù chưa thật sự sôi động, song thị trường bất động sản bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giao dịch bất động sản trong quý I/2024 tăng trưởng dương so với quý trước đó.

Cụ thể, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý này tăng gần 30% so với quý IV/2023, tuy nhiên vẫn giảm 20% so với cùng kỳ năm trước do thiếu hụt nguồn cung chung cư mới. Tuy nhiên, phân khúc đất nền lại nở rộ, khi tăng trưởng 20% so với quý IV/2023 và 45% so với cùng kỳ.

Có thể nói, việc giá chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng trong những tháng đầu năm, đồng thời mặt bằng lãi suất hạ nhiệt cũng kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.

Theo thống kê của CBRE, tại Hà Nội, giá chung cư thị trường sơ cấp tăng 12%, trong bối cảnh quỹ đất khu vực trung tâm giảm mạnh. Khu vực phía Đông và Tây đóng góp chính vào nguồn cung căn hộ của Thủ đô trong năm 2024 nhờ các phân khu trong 2 khu đô thị lớn Smart City và Ocean Park.

Một số dự án như Canopy hay The Lumi đã mở bán trong quý I/2024 đạt tỷ lệ hấp thụ trên 60% và giá bán tăng gần 15% so với các dự án xung quanh, cho thấy nhu cầu đang ở mức cao trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay.

Tại TP.HCM, giá chung cư sơ cấp tăng 5% song số lượng giao dịch không nhiều do thiếu nguồn cung mới. Nhìn về nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản có lẽ là một trong những điểm đến của dòng tiền khi có nguồn cung bắt đầu cải thiện.

Thị trường chứng khoán khởi sắc, thanh khoản tăng mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm tích cực kể từ tháng 10/2023. Chỉ số VN-Index đã tăng từ mức đáy của năm 2023 là 1.025 điểm lên mức 1.259 điểm vào ngày 27/6/2024.

Nếu so từ đầu năm nay, chỉ số VN-Index đã tăng gần 11,4%, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thuộc Top các thị trường có diễn biến tích cực nhất thế giới. Đà tăng điểm của VN-Index cũng đi kèm với dòng tiền đổ mạnh vào thị trường.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch trung bình phiên đạt xấp xỉ 25.500 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 40% so với quý IV/2023.

Thị trường chứng khoán được dự báo diễn biến tích cực trong nửa cuối năm nhờ nền kinh tế đang từng bước phục hồi, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện và kỳ vọng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sẽ giảm áp lực tỷ giá. Mức độ sinh lời kỳ vọng cao hơn so lãi suất tiền gửi phần nào giải thích cho việc dòng tiền đang hướng đến kênh đầu tư chứng khoán.

Nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng khi giá tăng kỷ lục

Kể từ đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã liên tục xô đổ mọi kỷ lục. Ngày 10/5/2024, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 92,4 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Tính từ đầu năm đến thời điểm giá vàng lập kỷ lục mới, vàng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng.

Còn trong vòng 1 năm qua, giá vàng SJC đã tăng 25 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 38%. Mức sinh lời ấn tượng so với các kênh đầu tư khác, cộng với tâm lý thích tích trữ vàng của người Á Đông đã khiến người dân đổ xô đi mua vàng trong thời gian vừa qua.

Sau nhiều năm, tình trạng người dân xếp hàng mua vàng lại tái diễn và căng thẳng trên thị trường vàng đã diễn ra.

Để giải tỏa “cơn khát” vàng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó có 6 phiên thành công, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn. Tuy vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.

Thêm một giải pháp khác được triển khai, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này phân phối vàng tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Sau một thời gian triển khai giải pháp này, chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới đã được thu hẹp, song dòng người vẫn chen lấn, xô đẩy để xếp hàng mua vàng.

Trước tình hình này, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã chuyển từ phương thức bán vàng trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng sang phương thức giao dịch trực tuyến qua website của các ngân hàng.

Tuy vậy, những lời phàn nàn vẫn tràn ngập trên các diễn đàn, chủ yếu với nội dung “9h chính thức bán vàng, vào website thì bị “treo”, “đơ”… đến lúc vào được thì nhận được thông báo hết lượt giao dịch hay ngân hàng đã nhận đủ số lượng khách hàng mua vàng”…

Giá vàng đang duy trì mức giá khá tốt khi dao động ở mức 2.300 USD/ounce, tương đương 71,3 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 6. Theo các chuyên gia, giá vàng vẫn còn dư địa tăng do Fed dự báo sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và khi lãi suất USD (tỷ giá USD) giảm, giá vàng sẽ tăng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-dau-tu-chay-vao-dau-post348437.html