Chi tiết

Dòng tiền mạnh mẽ trở lại thị trường, ngành thép triển vọng vẫn khả quan

(ĐTCK) Thanh khoản dồi dào và dòng tiền tham gia chủ động của nhóm nhà đầu tư cá nhân là các yếu tố hỗ trợ chính cho VN-Index.

VN-Index: Kỳ vọng sớm tăng trở lại

Sau những phiên giao dịch tích cực, VN-Index giảm 1,49% trong phiên cuối tuần qua, đóng cửa tại 1.261,93 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số giảm 1,61%. Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 24.000 tỷ đồng/phiên. Các phiên giảm điểm cũng ghi nhận thanh khoản gia tăng cho thấy, dòng tiền tiếp tục tham gia chủ động vào thị trường chung.

Xét về yếu tố kỹ thuật, VN-Index đang được hỗ trợ tại vùng 1.230 – 1.250 điểm, trong trường hợp áp lực bán tăng cao. Khi đó, đường đi xuống của thị trường chung sẽ gặp nhiều cản trở hơn đường tăng điểm trở lại. Mặt khác, nhóm nhà đầu tư cá nhân tiếp tục hỗ trợ chính cho VN-Index, đối trọng với nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước. Thanh khoản dồi dào là động lực lớn nhất cho chỉ số chung.

Nhìn chung, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiến vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn, khi xu hướng tăng ngắn hạn có chiều hướng bị xuyên thủng. Nhịp giảm lần này được xem như điều chỉnh kỹ thuật khi áp lực bán tăng mạnh tại nhóm vốn hóa lớn trước đó có diễn biến tăng giá vượt trội. Khi dòng tiền rũ bỏ được áp lực chốt lời và lấy lại cân bằng tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, VN-Index có thể tăng trưởng trở lại, kiểm nghiệm khu vực 1.290 – 1.300 điểm sau khi tạo nền giá mới.

Ngành thép: Áp lực cạnh tranh cao, nhưng triển vọng khả quan

Trong giai đoạn phục hồi vừa qua của nền kinh tế, các ngành vật liệu cơ bản có tốc độ phục hồi tương đối nhanh, nhờ vào tác động kép của sự cải thiện về doanh thu cũng như biên lợi nhuận ở đa số các doanh nghiệp. Trong đó, nhờ sự thúc đẩy của Chính phủ trong giải ngân các dự án hạ tầng mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hỗ trợ tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu tích cực.

Trong nhóm vật liệu xây dựng, nhóm ngành thép đang chịu nhiều tác động từ các yếu tố toàn cầu, ngoài yếu tố cung – cầu nội địa, các sản phẩm thép trong nước cũng chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc. Hiện tại, các sản phẩm thép Trung Quốc đang được tích cực xuất đi các nước lân cận nhờ lợi thế chi phí rẻ.

Các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài một số doanh nghiệp lớn có dây chuyền sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, thì đa phần đang phụ thuộc vào phôi thép và tấm thép nhập khẩu. Do sử dụng phần lớn nguyên liệu nhập khẩu nên biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này khá mỏng và giá thành có tính cạnh tranh thấp hơn. Vì thế, sức cạnh tranh về giá của đa phần các doanh nghiệp thép nội địa đối với thép Trung Quốc nhập khẩu là không cao và chịu nhiều áp lực.

Điểm tích cực là Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, tạo ra kỳ vọng đối với ngành thép Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm thép cán và tôn mạ. Hiện nay, sản phẩm thép Việt Nam xuất sang Mỹ thường phải chịu một mức thuế chống bán phá giá nhất định, do sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp gỡ bỏ các rào cản về thuế đối với các sản phẩm tôn mạ.

Trong khi đó, các sản phẩm thép xây dựng được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư hạ tầng mạnh mẽ của Chính phủ và nhóm các doanh nghiệp này thường có sức cạnh tranh tốt hơn, một số doanh nghiệp lớn có chuỗi giá trị sản xuất thép từ quặng đến thành phẩm. Do đó, trong tương lai gần, triển vọng phục hồi của ngành thép nhìn chung là sáng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-manh-me-tro-lai-thi-truong-nganh-thep-trien-vong-van-kha-quan-post345947.html