Kết phiên 8/10, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam bất ngờ được khối ngoại mua ròng hơn 83,2 tỷ đồng (tương ứng 2,4 triệu đơn vị), mức cao nhất trong 32 tháng trở lại đây.
Đồng thuận với diễn biến trên, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng 4,9%, lên mức 33.300 đồng/cp, vượt đỉnh lịch sử. Thanh khoản trong phiên đạt hơn 16 triệu đơn vị, gấp 6 lần so với khối lượng giao dịch trung bình của 10 ngày trước đó.
Nhìn rộng hơn, thị giá của LPB đã “leo dốc” gần 112% từ đầu năm đến nay, đưa giá trị thị trường lên 86.447 tỷ đồng, giúp ngân hàng lọt vào Top 8 nhà băng có vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán.
Diễn biến cổ phiếu LPB từ đầu năm đến nay |
Cổ phiếu LPB có diễn biến tích cực trong bối cảnh Ngân hàng Lộc Phát được dự báo sẽ là 1 trong 3 nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý III/2024. Cụ thể, theo MBS, LPB sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 41% từ mức nền thấp của năm ngoái. Đồng thời, lợi nhuận cả năm 2024 của ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng 46%.
Ngoài ra, Lộc Phát dự kiến sẽ được cấp thêm room tín dụng khi đã chạm ngưỡng tăng trưởng 15%. Nợ xấu cũng giảm nhẹ so với quý II/2024 khi ngân hàng tăng cường xử lý.
BSC Research cũng lưu ý về kỳ đánh giá chỉ số vào tháng 1/2025 sắp tới. Nếu HoSE không thay đổi bộ quy tắc tính toán chỉ số, với dữ liệu kết thúc vào ngày 30/9/2024, cổ phiếu LPB đã đủ điều kiện để gia nhập VN30. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu POW có nguy cơ bị loại khỏi VN30.
Thời gian chốt dữ liệu cho kỳ đánh giá tháng 1/2025 của bộ chỉ số VN30 là ngày 31/12/2024, do đó nếu cổ phiếu LPB tiếp tục duy trì giá trị vốn hóa cao như hiện tại trong hơn 60 phiên giao dịch của quý IV/2024 thì xác suất vào rổ chỉ số VN30 là rất cao và cổ phiếu POW sẽ có nguy cơ bị loại, Chứng khoán BIDV nhận định.
>> LPB và 2 ‘gã khổng lồ’ sàn UPCoM dự kiến lọt nhóm VN30, cổ phiếu nào sẽ bị loại?