Trong phiên ngày 25/6, thị trường chứng khoán vận động giằng co giữa bên mua bán sau nhịp rơi gần 28 điểm của phiên trước. Dù vậy, nhiều cổ phiếu ngân hàng, thép, vận tải biển bật tăng tốt trong phiên chiều đưa VN-Index tăng nhẹ 2,4% lên mốc 1.256.
Trái ngược, nhóm công nghệ thông tin là nhân tố thu hẹp đà tăng của thị trường khi gặp áp lực điều chỉnh. Dòng tiền rời bỏ khiến cho loạt cổ phiếu lao dốc như ONE, SGT, VTC giảm sàn, CMG (-4,1%), ELC (-2,8%), FPT (-1,6%)…
Đà giảm mạnh của nhóm công nghệ thông tin một phần chịu tác động từ phiên lao dốc của Nvidia. Trong 3 ngày gần đây, cổ phiếu đã giảm 13% khiến cho vốn hóa “bốc hơi” 430 tỷ USD. Cú sụt giảm mạnh diễn ra sau thông tin được công bố của CEO Jensen Huang về việc bán số cổ phiếu trị giá khoảng 95 triệu USD.
Dù vậy, Nvidia vẫn tăng gần 140% trong năm nay, trở thành cổ phiếu có hiệu suất tốt thứ hai trong S&P 500 Index, chỉ sau Super Micro Computer Inc.
Bên cạnh đó, sự “tháo chạy” của dòng tiền khối ngoại với FPT cũng cản bước nhịp tăng của cổ phiếu. Trong 15 phiên gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã xả hơn 4.090 tỷ đồng đưa FPT trở thành cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán.
>> Chung cảnh ngộ với FPT, một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng 33 phiên liên tiếp
Nhóm cổ phiếu thông tin ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên ngày 25/6 |
Đà thăng hoa của cổ phiếu công nghệ thông tin cùng “cơn sốt” AI
Trước khi điều chỉnh, các cổ phiếu này từng ghi nhận đà tăng hưng phấn, liên tiếp chinh phục các đỉnh lịch sử. Nổi bật là cổ phiếu VGI với đà leo dốc không ngừng nghỉ từ mức giá 28.x lên 111.x chỉ trong 5 tháng, giúp cho nhiều nhà đầu tư thắng lớn với khoản lãi hơn 280% trong danh mục. Đà tăng mạnh đã đưa vốn hóa VGI lên mức 337.000 tỷ đồng, “chễm chễ” đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng chỉ sau Vietcombank.
Một cái tên khác cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư là cổ phiếu của “ông lớn” công nghệ FPT. Nhịp tăng hơn 60% lên mức 136.100 đồng/cp đã đưa vốn hóa FPT vượt mốc 198.000 tỷ đồng, lọt vào top 5 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất sàn chứng khoán.
Ngoài “cỗ máy” tăng trưởng VGI và FPT, các cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực nhờ “cơn sốt” công nghệ như CTR (+85%), CMG (+70%), FOX (+102%), FOC (+44%), ELC (+55%)…
Đà thăng hoa của nhóm cổ phiếu công nghệ thông thời gian qua đến từ “cơn sốt” AI trên toàn cầu. Tại Phố Wall, loạt cổ phiếu của các ông lớn công nghệ như Nvidia, Microsoft, Amazon, Apple, Meta… điều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trên thị trường. Đặc biệt là phiên bùng nổ của ngày 18/6 đưa cổ phiếu của Nvidia vượt đỉnh lịch sử, chính thức vượt qua Microsoft và Apple, trở thành công ty đắt giá nhất thế giới.
>> Cổ phiếu công nghệ ‘dậy sóng’ thi nhau vượt đỉnh, động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Hình ảnh minh họa |
Bong bóng cổ phiếu công nghệ thông tin đang bị vỡ tan?
Tuy nhiên, loạt cổ phiếu bị bán mạnh trong hai phiên gần đây khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về bong bóng công nghệ thông tin bị vỡ tan như thời điểm cuối thập niên 1990 – đầu năm 2000 ở Mỹ.
Xét về triển vọng ngành, dự địa tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn khá lớn. Nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G dần được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong các quý tới giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Theo đó, ngành viễn thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G. Năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% dân số kết nối 5G.
Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center) tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông phát triển, sẽ giúp thúc đẩy 15% doanh thu hàng năm cho mảng viễn thông.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính lành mạnh là trụ đỡ vững chắc cho các cổ phiếu công nghệ đi lên trong thời gian tới. Cụ thể, FPT được biết đến là công ty duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 20-30% qua nhiều năm, với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thường trên 20%. Biên lợi nhuận gộp của FPT dao động khoảng 35%-40% và công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu đều đặn.
CMG được đánh giá có chất lượng tài sản trung bình với ROE khoảng 10% và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12%. Hay với VGI của Viettel, chất lượng tài sản của công ty ở mức trung bình với mức độ an toàn vốn cao do nợ vay thấp.
Do vậy, việc điều chỉnh ngắn hạn có thể xảy ra do các cổ phiếu này đã tăng nóng, điều này là một yếu tố tất yếu để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng dài hạn của thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đưa thêm góc nhìn về định giá P/E của nhóm công nghệ thông tin hiện tại.
Theo đó, ông Minh nhận định thị trường chưa có công cụ thích hợp để định giá cổ phiếu công nghệ. Cùng với đó, trong xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán, định giá P/E của nhiều cổ phiếu khác cũng đang ở mức cao.
Theo đó, thay vì nhìn vào định giá P/E hiện tại, nhà đầu tư nên nhìn vào câu chuyện tương lai, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nếu Fed hạ lãi suất thì đây sẽ là một trong những động lực quan trọng kéo dài đà tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước.