Đáng nói, sản phẩm này không thuộc sở hữu của bất kì một quốc gia đơn lẻ nào.
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là công trình nhân tạo lớn nhất và tốn kém nhất mà loài người từng xây dựng, với chi phí đầu tư lên đến hơn 100 tỷ USD. Được đưa vào sử dụng từ năm 1998, ISS không chỉ là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế mà còn là phòng thí nghiệm vi trọng lực độc nhất vô nhị, nơi khai phá những bí ẩn của vũ trụ và mở ra các nghiên cứu khoa học tiên phong mà Trái Đất không thể thực hiện được.
ISS là dự án hợp tác giữa 15 quốc gia, trong đó Mỹ, Nga, và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đóng vai trò chính. Công trình này được xây dựng qua nhiều giai đoạn từ năm 1998 đến 2011 và vẫn liên tục được nâng cấp để đáp ứng các nhiệm vụ mới. Với chiều dài 109 mét, khối lượng hơn 419.725 kg, trạm được trang bị 7 phòng ngủ, 2 phòng tắm, phòng tập thể dục, và một cửa sổ lồi độc đáo cho phép quan sát toàn cảnh Trái Đất từ không gian.
ISS là dự án hợp tác giữa 15 quốc gia. Ảnh: iStock |
ISS bay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 402km, hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong 90 phút. Vào những thời điểm thích hợp, nó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường như một ngôi sao sáng di chuyển trên bầu trời.
Điểm đặc biệt làm nên giá trị của ISS là môi trường vi trọng lực, điều kiện không thể tái tạo trong bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên Trái Đất. Đây là nơi thực hiện hơn 2.500 thí nghiệm của hơn 3.600 nhà khoa học, mở ra những đột phá như công nghệ in 3D nội tạng, nghiên cứu sức khỏe con người trong không gian, và thử nghiệm sản phẩm như máy pha cà phê espresso hay các hệ thống sinh học phức tạp.
Nghiên cứu trên ISS không chỉ giúp con người hiểu rõ hơn về tác động của vi trọng lực lên cơ, xương và hệ tuần hoàn mà còn đặt nền tảng cho việc chinh phục các hành tinh xa xôi như mặt trăng hay sao Hỏa.
Tính đến năm 2022, đã có 258 người từ 20 quốc gia đặt chân lên trạm |
Chi phí vận hành ISS lên tới 3 tỷ USD mỗi năm, tương đương gần 1/3 ngân sách của NASA dành cho các chuyến bay vũ trụ có người lái. Kể từ năm 2000, ISS luôn có người túc trực để thực hiện nhiệm vụ. Tính đến năm 2022, đã có 258 người từ 20 quốc gia đặt chân lên trạm, trong đó Mỹ và Nga dẫn đầu về số lượng phi hành gia.
Thời gian và nguồn lực nghiên cứu trên trạm được phân bổ tùy theo mức đóng góp tài chính hoặc công nghệ từ các quốc gia. Không chỉ có Mỹ, Nga và châu Âu, các nước như Nhật Bản, Canada và gần đây là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tham gia đưa người lên ISS.
Tương lai của trạm vũ trụ này đang đối mặt với nhiều thách thức |
Mặc dù ISS là nền tảng quan trọng cho nghiên cứu không gian, tương lai của trạm vũ trụ này đang đối mặt với nhiều thách thức. Nga đã thông báo sẽ rút lui khỏi dự án sau năm 2024 để xây dựng trạm vũ trụ riêng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Sau năm 2030, ISS có thể bị hủy bỏ hoặc tái chế thành các trạm vũ trụ thương mại trên quỹ đạo.