HĐQT Công ty cổ phần DRH Holdings (mã: DRH) đã thông qua việc bán cổ phiếu Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương – Bimico (mã: KSB). Theo đó, doanh nghiệp sẽ bán 2 triệu cổ phiếu KSB để tái cấu trúc hoạt động đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện từ 19/11 đến 16/12.
Đây là lần thứ 2 DRH Holdings đăng ký bán cổ phiếu KSB. Trước đó, doanh nghiệp này đã bán thành công 3 triệu cổ phiếu KSB trong 2 phiên giao dịch 24/6 và 25/6.
Hiện, DRH Holdings sở hữu 26,2 triệu cổ phiếu KSB, tương đương 22,9%. Ngoài ra, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch DRH Holdings và KSB nắm 5,2 triệu cổ phiếu KSB, tương ứng tỷ lệ 4,61%. Giá gốc khoản đầu tư của DRH Holdings là 540 tỷ đồng, tức giá mua bình quân khoảng 20.600 đồng/cp.
Bên cạnh đó, trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào đầu năm nay của Bimico, DRH Holdings có 22,8 triệu quyền mua (tương đương được mua 11,4 triệu cổ phiếu giá 16.000 đồng/cp) và đã đăng ký bán gần 10 triệu quyền mua. Song, doanh nghiệp chỉ bán được gần 7,7 triệu quyền mua do không đạt được thỏa thuận với đối tác.
DRH Holdings thành cổ đông lớn của Bimico từ 2016 và không dấu tham vọng thâu tóm để trở thành công ty con. Bimico hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và cho thuê khu công nghiệp. Ông Phan Tấn Đạt từng cho biết cả 2 mảng trên đều là lĩnh vực DRH Holdings muốn mở rộng trong tương lai.
Cổ phiếu KSB giảm về vùng thua lỗ của DRH Holdings
Công ty bắt đầu thoái vốn sau 8 năm đeo bám trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Bimico đi xuống nhiều năm liền và cổ phiếu miệt mài giảm giá.
Giai đoạn 2017 – 2020, Bimico ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Song, từ 2021 – 2023, doanh thu giảm phân nửa xuống vùng 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xuống 74 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. 9 tháng năm nay, doanh thu KSB tiếp tục giảm 27% xuống 282 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 58% xuống 33,4 tỷ đồng.
Đi cùng với kết quả kinh doanh đi xuống và bối cảnh thị trường chung không thuận lợi, cổ phiếu KSB cũng miệt mài giảm giá từ vùng 27.000 đồng/cp xuống 17.500 đồng/cp tính từ tháng 3 đến nay, tức giảm 35%. Nếu xét từ đỉnh tháng 3/2022 thì mã chứng khoán này mất giá 56%. Mức giá này đã xuống dưới vùng giá mua bình quân của DRH Holdings (khoảng 20.600 đồng/cp).
DHR Holdings cũng đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đến nay chưa công bố BCTC soát xét bán niên 2024. Trong khi đó, BCTC hợp nhất kiểm toán 2023 bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến dư nợ trái phiếu, số dư phải thu về cho vay ngắn hạn.
Theo đơn vị kiểm toán, công ty có các khoản nợ gốc và lãi trái phiếu đã quá hạn nhưng chưa thanh toán. Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 bị lỗ, nhóm công ty có khoản nợ thuế đã quá hạn nộp ngân sách nhà nước. Các vấn đề nêu trên gây nghi ngờ khả năng hoạt động kinh doanh liên tục của công ty thời gian tới.
Theo BCTC hợp nhất tự lập, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu DRH Holdings chỉ đạt 2,1 tỷ đồng và lỗ đậm 80 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh gần như không có, doanh thu tài chính tăng từ 22 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng nhưng công ty gánh chi phí lãi vay gần 100 tỷ đồng. Đồng thời, phần lợi nhuận từ công ty liên kết giảm từ 19 tỷ về 6 tỷ đồng.