Đóng góp hơn 4% tổng GDP cả nước
Tại hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào ngày 21/11, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các địa phương được xác định là trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo Thứ trưởng, Chỉ thị 30 là một bước để nâng cao nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa; thay đổi cách làm của ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.
Ông Phong thông tin, theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,04% tổng GDP cả nước.
“Dư địa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn rất lớn, vấn đề là phải thay đổi cách làm để hiệu quả”, ông Hồ An Phong nói và chia sẻ thêm, trong đợt Việt Nam quảng bá du lịch qua điện ảnh tại Hollywood (Hoa Kỳ) mới đây, có 17 chủ đoàn làm phim tại Hoa Kỳ cam kết năm 2025 sẽ đến Việt Nam nghiên cứu để xúc tiến làm phim tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Ở góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hoá.
Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Theo ông Minh, bên cạnh những kết quả khả quan mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế; các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ.
“Để khắc phục các hạn chế nêu trên, cũng như tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp đầy tiềm năng này, lãnh đạo thành phố cũng đã giao Sở VH&TT TP. Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa TP. Đà Nẵng đến năm 2030”, ông Minh thông tin.
Thiếu cơ chế chính sách
Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghê, Ban Tuyên giáo cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao ở mức 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ của Việt Nam đã bước đầu có những sản phẩm nghệ thuật thu hút hàng trăm triệu lượt xem và yêu thích của công chúng trên các nền tảng số; nhiều chương trình nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng, đạt chất lượng và hiệu quả, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Nhất là các sự kiện sáng tạo, không gian sáng tạo được đẩy mạnh và “nở rộ” ở các đô thị…
Tuy nhiên, bà Lan nhìn nhận, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện.
Công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả; tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến với nhiều hình thức khác nhau, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dài trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công – tư chưa đạt yêu cầu…
Còn ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa mới còn rất hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch.
“Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc để có thể hấp dẫn du khách…”, ông Siêu cho hay.
Ðể có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, ông Siêu cho biết, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.
“Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách là rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia…”, ông Siêu gợi ý.