Chiều 7/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ “Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025”.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin hiện nay an toàn hệ thống, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, sau CBBank và OceanBank (MVB), các ngân hàng GPBank và Đông Á (DongA Bank) có thể được chuyển giao trước Tết Nguyên đán 2025.
“Trước tết âm lịch chuyển giao 2 ngân hàng còn lại thì chúng ta hoàn thành tái cơ cấu 4 ngân hàng yếu kém trong năm 2024. Riêng ngân hàng SCB hiện vẫn đang duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn thanh khoản. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tồn tại, yếu kém, vi phạm trước đây của SCB và xây dựng phương án cơ cấu lại”, ông Đào Minh Tú nói.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, ông Tú cho biết đến 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 15,08%, phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Trong 2 năm 2023-2024, Ngân hàng Nhà nước đổi mới phương thức điều hành định mức tín dụng, tăng tính chủ động cho các ngân hàng, không có ngân hàng nào thiếu room tín dụng để cấp vốn cho nền kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tú, 16% là con số định hướng, không phải là con số pháp lệnh, tín dụng nền kinh tế có thể tăng 15%, 17%, thậm chí 18%… với mục tiêu cuối cùng kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tiền đồng, ổn định tỷ giá, chứ không phải chốt ở một con số cố định.
Theo trên, số tăng trưởng tín dụng 16% không phải mục tiêu cuối cùng, chỉ là con số đặt ra phù hợp với bối cảnh hiện tại. “Quan trọng là tín dụng đi vào lĩnh vực nào và tăng trưởng tín dụng vào toàn nền kinh tế, không để các tổ chức tín dụng tăng trưởng nóng”, ông Tú nói và khẳng định 16% là số định hướng chứ không bắt buộc thực hiện đúng, đủ hay vượt chỉ tiêu.
Nhận định về những thách thức đổi với tăng trưởng tín dụng 2025, ông Tú cho rằng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, sức khoẻ tài chính yếu khiến khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Điều này cũng khiến rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong năm sau.
Về điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong năm 2024, tỷ giá tăng 5,03% song đây là mức mất giá phù hợp.
“Có lúc tỷ giá tăng hơn 7% nhưng so với nhiều nước trong khu vực châu Á thì VND vẫn ổn định. Tỷ giá không thể cứng ở 1 mức mà theo cung – cầu thị trường. Trong năm qua, cân đối được cung – cầu ngoại tệ trong nền kinh tế được đảm bảo”, ông Tú cho biết.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ/ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách để sớm có cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo cho việc quản lý của Nhà nước, quyền lợi của người kinh doanh vàng và người dân.
Thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.