Tại Hội nghị đối thoại, tiếp nhận thông tin của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra vào chiều 11/11, hàng loạt khó khăn, vướng mắc được kiến nghị với chính quyền tỉnh này.
Doanh thu du lịch cao kỷ lục
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, sau 10 tháng năm 2024, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt 9,5 triệu lượt, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2023 (vượt 6% kế hoạch của năm 2024).
Đặc biệt, lượng khách du lịch tăng cao nên ngành du lịch Khánh Hòa đã về đích trước 3 tháng; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 134% so với cùng kỳ (vượt 29,7% kế hoạch).
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ (vượt 17,2% kế hoạch). Dự kiến tổng doanh thu năm 2024 đạt con số cao nhất mà ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa ghi nhận từ trước đến nay.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, đây là những con số đáng mừng, đánh dấu cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Khánh Hòa trong năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cần tiếp tục giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị kịp thời cho doanh nghiệp; trường hợp vượt quá thẩm quyền, các đơn vị tham mưu, đề xuất UBND tỉnh để xử lý theo quy định.
“Để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, đề nghị các Sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các chính sách Chính Phủ để cơ cấu hoạt động, phát triển chuỗi hệ thống cung ứng dịch vụ đảm bảo chất lượng đón khách du lịch…”, ông Thiệu chỉ đạo thêm.
Cần xử lý triệt để tình trạng lừa đảo du khách
Đối thoại với chính quyền, các doanh nghiệp bức xúc trước tình trạng lập các trang (fanpage) giả mạo các khách sạn để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc phòng của khách. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch cũng như ngành du lịch Khánh Hòa…
Các đại biểu đề nghị cần giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Khánh Hòa, có 15 khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh này bị giả mạo trang fanpage. Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa ghi nhận có 16 trường hợp bị chiếm đoạt tiền đặt cọc tổng cộng 47 triệu đồng.
Lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Khánh Hòa cho hay, thủ đoạn của các nghi phạm là tạo ra các trang giả mạo có giao diện rất khó phân biệt với fanpage chính thức của các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Nha Trang.

Cụ thể, các trang giả mạo này sẽ sao chép hình ảnh, sử dụng bài đăng của các khách sạn nhằm tạo uy tín để bán các tour du lịch với giá hấp dẫn. Đồng thời, chạy quảng cáo dồn dập khiến khách hàng bị nhầm lẫn.
Khi có khách hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ nhiệt tình tư vấn để dẫn dụ khách sập bẫy. Sau khi thỏa thuận xong, những kẻ giả mạo làm giả ảnh chụp biên lai, xác nhận đặt phòng rồi thúc giục khách chuyển khoản tiền đặt cọc phòng. Sau khi nhận được tiền, kẻ giả mạo lập tức chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.
Còn theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Sở này đã tổ chức họp cùng Công an tỉnh, Sở TT&TT, UBND TP. Nha Trang, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa để phối hợp hỗ trợ xử lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Sở Du lịch cũng đã ban hành các văn bản gửi các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh để nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các đối tượng lừa đảo này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hệ thống loa phát thanh tuyên truyền dọc bờ biển quá to; ùn tắc giao thông tại các tuyến trung tâm vì xe du lịch; tổ chức thông báo, phân luồng giao thông chưa hiệu quả khi có các sự kiện lớn…