Chi tiết

Du lịch phục hồi, vì sao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng chưa sáng?

 

Du lịch phục hồi, vì sao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng chưa sáng?

Lượng khách du lịch đã hồi phục mạnh kể từ COVID-19, doanh thu các doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng đã cải thiện khá tốt, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa thực sự khả quan.

Quý 1/2024, thống kê của VietstockFinance cho thấy, 13 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng đạt tổng cộng 680 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với thời điểm 1 năm trước, nhưng lỗ đến 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 17 tỷ đồng.

Lãi ròng của HGT, BTV, PDC, HOT, NVT, EINCTC đã cải thiện, riêng NVT và CTC có lãi trở lại, còn EIN bớt lỗ. Trong khi đó, những tên tuổi lớn như VNG hay OCH thì lỗ nặng hơn. VTG, DAH, ATSSGH cũng cho kết quả đi lùi.

 

KQKD quý 1/2024 của các doanh nghiệp có lợi nhuận cải thiện so với cùng kỳ (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

 

Tất cả hoạt động của Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UPCoM: BTV) nhìn chung đều tích cực hơn. Doanh thu quý đầu năm đạt 176 tỷ đồng, tăng 27%; chủ yếu nhờ mảng lữ hành đóng góp 36% nguồn thu và tăng 57%, lên 64 tỷ đồng. Biên lãi gộp mảng này tăng vọt từ 9.6% lên 53%, giúp Công ty lãi 6.7 tỷ đồng, tăng 15%.

Bất lợi đáng kể có lẽ là hoạt động bán vé máy bay vừa qua kinh doanh dưới giá vốn, có doanh thu 43 tỷ đồng nhưng chi đến 66 tỷ đồng.

 

Biên lãi gộp các mảng kinh doanh của BTV (Đvt: %)

Nguồn: Người viết tổng hợp

 

Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) có lãi trở lại sau 2 quý lỗ liên tiếp, nhờ đẩy mạnh tiếp thị và kinh doanh với khách hàng nước ngoài. Doanh thu tăng 23%, đạt 113 tỷ đồng – mức cao nhất trong hơn chục năm nay.

Biên lãi gộp cải thiện từ 54% lên 59% giúp chủ dự án Six Senses Ninh Vân Bay lãi 3.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 5.6 tỷ đồng. Lãi vay xuống thấp hơn cũng là động lực để Công ty thu kết quả khả quan, chiếm khoảng 9% phần lợi nhuận sau khi khấu trừ giá vốn, giảm so với con số 17% của quý 1/2023.

Lượng khách du lịch quý đầu năm 2024 tăng vượt bậc giúp doanh thu Du lịch Dịch vụ Hội An (UPCoM: HOT) lên cao nhất kể từ khi đại dịch ập đến vào năm 2020, đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng mạnh 67%; qua đó lãi 3.5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ được 128 triệu đồng. Khách sạn Hội An đợt này mang về gần 20 tỷ đồng, gấp đôi quý 1 năm ngoái.

HOT cho hay đã tranh thủ thị trường du lịch thuận lợi để chỉnh trang cảnh quang, trau chuốt sản phẩm dịch vụ và chạy quảng cáo, khuyến mãi bằng các phương tiện truyền thông, qua đó có quý lãi thứ 4 liên tiếp sau giai đoạn trầy trật lỗ liên tục 12 quý.

Diễn biến lãi ròng theo quý của HOT từ năm 2019 đến nay
 

 

“Tội đồ” chi phí lãi vay

 

KQKD quý 1/2024 của các doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

 

Du lịch Thành Thành Công (HOSE: VNG) lỗ lịch sử 45 tỷ đồng, dù doanh thu tăng mạnh 15%, đạt 160 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, tình hình kinh doanh quý 1 năm nay tốt hơn. Trong kỳ, VNG đã đưa khu resort nghỉ dưỡng Vân Phong Bay tại Dốc Lết, quy mô 200 phòng và 10 biệt thự nghỉ dưỡng, đi vào hoạt động và M&A thành công khách sạn 5 sao TTC Imperial Hotel.

Tuy nhiên, do 2 dự án đầu tư mới làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay dẫn đến biên lãi gộp giảm, chi phí tài chính tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vừa rồi lãi vay chiếm 55 tỷ đồng, mức gần cao nhất từ trước đến nay, chỉ sau 63 tỷ đồng của quý 4/2023.

Nhìn lại quá khứ, tỷ lệ chi phí lãi vay trên lãi gộp từ năm 2018 đến trước năm 2020 hầu hết chỉ khoảng 3.5 – 18%. Nhưng từ sau COVID-19, tỷ lệ này duy trì từ 50 – 100%.

Gánh nặng lãi vay cũng ám ảnh One Capital Hospitality (HNX: OCH). Trong bối cảnh hụt nguồn thu chính từ bánh Givral và Kem Tràng Tiền, doanh thu OCH giảm 9%, còn gần 118 tỷ đồng, chủ yếu dựa vào khách sạn Sunrise Nha Trang và StarCity Nha Trang, nhưng kết quả vẫn lỗ ròng gần 20 tỷ đồng. Lý do, chi phí lãi vay lên tới 26 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ và lên cao nhất 6 năm.

Doanh thu gấp 3 lần, gần 20 tỷ đồng, nhưng lãi ròng của Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH) vẫn “mất hút”. So với 796 triệu đồng cách đây một năm thì nay chỉ đạt 44 triệu đồng, do trích lợi thế thương mại lên tới 3.6 tỷ đồng.

Trước đó, DAH đã thoái toàn bộ vốn CTCP Green Island (giá gốc 80 tỷ đồng, chuyển nhượng 65 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Tài chính Sao Kim (giá gốc 36 tỷ đồng); sau đó mua vào CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong (giá gốc 177 tỷ đồng, sở hữu 75%) và CTCP Chợ Mơ (giá gốc 155 tỷ đồng, sở hữu 19.9%).

Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (UPCoM: VTG) kéo dài mạch lỗ lên con số 4. Đợt này, Công ty lỗ 3.2 tỷ đồng, nặng hơn con số 1.6 tỷ đồng của quý 1/2023. Theo VTG, do công ty con là CTCP Du lịch Nghinh Phong và chi nhánh khu du lịch Biển Đông tạm dừng kinh doanh để chuẩn bị bàn giao liên quan khu đất bãi tắm Thùy Vân nhằm chỉnh trang trục đường Thùy Vân. Điều này cũng làm rơi mất một nửa doanh thu so với cùng kỳ, còn hơn 6.3 tỷ đồng.

Đường đến ngày thoát lỗ lũy kế còn chông gai

Khó khăn kép từ đại dịch và sau đó là việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành du lịch xuống thấp, thậm chí lỗ kéo dài.

Thống kê cho thấy, 10/13 doanh nghiệp nêu trên vẫn lỗ lũy kế, tổng số tiền lên đến 1.7 ngàn tỷ đồng; trong đó, hơn một nửa thuộc về NVT và OCH, lần lượt 709 tỷ đồng và 646 tỷ đồng.

Trên thực tế, NVT “ngụp lặn” trong lỗ lũy kế hơn 10 năm nay. Năm 2017, chủ dự án Six Senses Ninh Vân Bay lỗ gần 700 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sớm thoát khỏi tình trạng này, đặc biệt khi mỗi quý chỉ lãi vài tỷ đồng. Ở góc độ tích cực, có thể thấy tình hình của NVT đã dần tốt hơn so với quý 4/2022.

OCH cũng không khá hơn. Chủ Kem Tràng Tiền bắt đầu ghi nhận lỗ lũy kế lớn từ năm 2014, sau khi buộc phải trích lập dự phòng khó đòi đột biến hơn 844 tỷ đồng. Dù số này từng cải thiện hơn một nửa, nhưng hoạt động kinh doanh biến động khiến khoản lỗ tích lũy đến nay còn 646 tỷ đồng.

COVID-19 ập đến cũng là lúc HGT và HOT lỗ nặng. HGT dù sở hữu nhiều khách sạn cao cấp trên “đất vàng” ở Huế nhưng lỗ lũy kế ngày càng sâu hơn, đến hiện tại đã là 104 tỷ đồng, còn HOT là 54 tỷ đồng. Có thể nói, với mức lãi chỉ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng như hiện tại, ngày thoát cảnh lỗ lũy kế của 2 doanh nghiệp vẫn còn rất chông gai.

Động lực lớn từ chính sách miễn thị thực

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý 1/2024, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 4.6 triệu lượt, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2023 và gấp 50 lần cách đây 2 năm – giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch.

Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục là động lực chính. Đặc biệt, Trung Quốc tăng 534%, kế đến là Hàn Quốc (52%), Nhật Bản (52%), Đài Loan (127%).

Các thị trường ở châu Âu cũng tăng sôi động như Anh (37%), Pháp (40%), Đức (40%), Ý (80%), Tây Ban Nha (50%), Nga (69%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.

 

Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa từ đầu năm 2022 đến nay (Đvt: triệu lượt người)

Nguồn: Người viết tổng hợp

 

So với quý 1/2019, thời điểm trước COVID-19, thị trường tiềm năng là Ấn Độ tăng 304%, Campuchia đạt 335%, Indonesia 188%.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới dự báo hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Một số nền tảng du lịch châu Á cũng dự báo lạc quan khi cho rằng châu Á còn nhiều dư địa để phục hồi trong năm 2024, đặc biệt đối với thị trường du lịch hàng đầu thế giới như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty du lịch Arival (Thái Lan), phải đến năm 2025 thì ngành công nghiệp không khói mới vượt qua mức đỉnh từng đạt được trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt doanh thu 67 tỷ USD vào năm 2024 và 75 tỷ USD vào năm 2025.

Tử Kính

FILI

Source link