Trả lời phóng viên Nhadautu.vn bên lề buổi lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Dinh Thống Nhất (TP.HCM), ông Dương Đức Minh, chuyên gia du lịch, Viện Phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP.HCM cho biết, hiện tại, du lịch di sản Việt Nam đang có những yếu tố then chốt góp phần phát triển kinh tế di sản.
Trong đó, di sản trở thành câu chuyện, thành trải nghiệm độc đáo đặc sắc để thu hút giữ chân du khách. Tôi đang thấy những chuyển dịch tốt từ hướng này. Khi chúng ta khai thác di sản thành giá trị kinh tế, diễn giải và truyền thông là cần thiết nhất.
Làm sao để truyền thông chính xác đến đối tượng khách hàng, để họ sẵn sàng chi trả ở mức tương xứng khi trải nghiệm những di sản này, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cả về di sản lẫn kinh tế.
“Đây là điều mà Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Dinh Thống Nhất (TP.HCM) đang bắt tay cùng hướng tới. Hai trung tâm của đất nước là Hà Nội và TP.HCM đang phát triển khá tốt về du lịch di sản. Nên biết, di sản có cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Những không gian như Dinh Thống Nhất hay Văn Miếu Quốc Tử Giám thường tích hợp cả hai, được xem là giá trị đa bội, phát triển theo từng thời điểm”, ông Dương Đức Minh phân tích.
Theo ông Minh, làm tốt được những điều này, Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong việc thu hút du khách thuộc hạng sang, giới siêu giàu, các tỷ phú quốc tế. Bởi, điều mà phân khúc khách hàng này quan tâm là sự tiện nghi và tính trải nghiệm. Phân khúc khách hàng này có chiến lược và hành vi tiêu dùng rõ ràng. Trải nghiệm du lịch của giới này không đơn thuần là nghỉ dưỡng, họ sẽ chọn những trải nghiệm độc đáo, cảnh quan đặc sắc, nổi bật, riêng tư và an toàn.
“Một điều cần lưu ý là phân khúc khách hàng này rất thích cá nhân hoá hành trình và cực kỳ tối mật về thông tin, trải nghiệm, hay nói chính xác là an toàn. Thêm vào đó, họ không cần những trải nghiệm xa hoa, mà lại đi tìm những giá trị độc đáo. Việt Nam sở hữu hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn dồi dào. Thậm chí, đủ nguồn lực tổ chức đám cưới siêu sang, hội nghị thượng đỉnh, thu hút phân khúc khách hàng đẳng cấp và có khả năng chi tiêu cao.
Theo thống kê của chúng tôi, sở hữu những yếu tố tiên quyết trong yêu cầu du lịch của giới tỷ phú quốc tế như độ an toàn, trải nghiệm độc đáo, đẳng cấp. Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của những người nổi tiếng và người giàu trên toàn cầu. Có khoảng 60 doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam (khoảng 1% tổng số doanh nghiệp lữ hành) chỉ chuyên phục vụ giới siêu giàu quốc tế”, ông Minh cho biết.
Đại diện của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp cần sự kết nối chặt chẽ và chiến lược phát triển rõ ràng, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút và giữ chân du khách.
Đơn cử, sự kiện hội nghị khách hàng của một hãng máy bay chuyên cơ siêu sang diễn ra tại Đà Nẵng mới đây. Với sự tham dự của hàng loạt tỷ phú đô la từ khắp nơi trên thế giới, sự kiện này không chỉ là dịp để giới thiệu những dòng máy bay đẳng cấp mà còn là cơ hội quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam.
Theo ông Dương Đức Minh, nếu giữ vững được những lợi thế hiện tại, Việt Nam tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du khách quốc tế, thậm chí có thể bùng nổ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2025.
“Như tôi đã nói, điều kiện đầu tiên là an toàn. Tình hình kinh tế chính trị của Việt Nam rất tốt, đây là lý do đầu tiên khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng 5 quốc gia Đông Nam Á khác chuẩn bị công bố chương trình kết nối miễn thị thực, góp phần phát triển du lịch, kinh tế của khối liên kết này”, ông Minh nói.
“Vì vậy, tôi dự đoán mấy tháng cuối năm 2024 và sang năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ vượt đỉnh, vượt cả mốc lịch sử 2019 (18 triệu lượt du khách). Và du khách sẽ đến chủ yếu từ một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…”, ông Minh nói thêm.