Chi tiết

Dự thảo Luật Chứng khoán sẽ kìm hãm thị trường trái phiếu?

Các chuyên gia nhận định dự thảo Luật Chứng khoán có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung thêm một số quy định mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc sửa Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư cá nhân, ngoài điều kiện cần phải sở hữu danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên, dự thảo Luật bổ sung thêm điều kiện về thời gian tham gia đầu tư chứng khoán cũng như tần suất giao dịch.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân được xem là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được tham gia mua đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi thỏa mãn yêu cầu tham gia đầu tư chứng khoán trong tối thiểu 2 năm và có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất.

Đối với tổ chức phát hành, dự thảo Luật yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành (ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định).

Như vậy để có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, các doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu trơn.

Lo ngại quy định thành điểm nghẽn

Về vấn đề này, bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhận định: “Thay đổi trong dự thảo mới được đưa ra để ngăn chặn các sự kiện không mong muốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Các quy định mới này chủ yếu với mục đích bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân khỏi những ‘lỗ hổng’, những tổ chức phát hành yếu kém trên thị trường”.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy phát triển an toàn, bền vững và tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vốn.

Lo ngại quy định thành điểm nghẽn.

Giải thích rõ thêm, bà Ngân cho biết, việc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân không được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ đồng nghĩa với sân chơi cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, những đối tượng có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để đưa ra quyết định đầu tư của mình.

“Việc này sẽ bảo vệ cho các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự có hiểu biết về sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu các nhà đầu tư này muốn đầu tư thì có thể thông qua các quỹ để đầu tư”, bà Ngân nói.

Song, ở một khía cạnh khác, có thể những quy định này lại trở thành điểm nghẽn, ngăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo đúng tiềm năng khi dự thảo luật chứng khoán sửa đổi đã siết chặt cả hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ lẫn cả chào bán ra công chúng.

Bà Ngân cho biết việc chào bán trái phiếu ra công chúng bị siết bởi yêu cầu tất cả tất cả các bên tham gia xây dựng hồ sơ như kiểm toán, tư vấn,… phải có giấy xác nhận, chứng nhận của các cơ quan quản lý. Ngoài gắn thêm trách nhiệm cho tất cả các bên liên quan, quy định mới còn yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng bắt buộc phải có tài sản đảm bảo.

“Thế nhưng, thực tế, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các ngân hàng không còn được làm đại lý nhận tài sản đảm bảo nữa và hiện trên thị trường chưa có tổ chức nào được cung cấp dịch vụ này.

Chưa kể, tại nhiều thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, có rất nhiều sản phẩm được phát hành mà không cần tài sản đảm bảo, chẳng hạn như trái phiếu của những doanh nghiệp có điểm rating (xếp hạng tín nhiệm) cao hoặc một số tổ chức không cần yêu cầu tài sản đảm bảo đặc thù như ngành ngân hàng”, bà Ngân nói.

Nói về thực trạng hiện tại của thị trường, bà Ngân cho rằng hiếm khi nào trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư thì khát khao tìm kiếm sản phẩm để đầu tư, còn các tổ chức phát hành thì mong muốn huy động vốn, nhưng hai bên lại không thể “gặp được nhau” như bây giờ.

“Với những sửa đổi trong Dự thảo Luật Chứng khoán mới, cả hai bên chỉ còn có thể nhìn nhau trong bất lực: bên muốn mua không thể mua, mà bên muốn phát hành cũng chẳng thể phát hành”, bà Ngân chia sẻ.



Nguồn tin