Chi tiết

Được đề cử Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent sẽ hành động ra sao?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Ông Scott Bessent, vừa được ông Trump đề cử giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ (Ảnh: Whyy)

Với nền tảng kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu lịch sử kinh tế và thành công trong lĩnh vực đầu tư vĩ mô, Bessent không chỉ hứa hẹn mang đến sự đổi mới cho chính sách tài chính của Mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.

Động lực chính trị và chính sách “3-3-3”

Sinh ra tại Charleston, South Carolina, Bessent đã trải qua một hành trình học thuật và sự nghiệp đầy ấn tượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Yale và sau đó tham gia Soros Fund Management vào năm 1991. Tại đây, ông nổi bật với khả năng dự đoán chính xác các xu hướng kinh tế lớn, nổi bật nhất là việc đặt cược thành công vào sự sụp đổ của đồng bảng Anh trong cuộc khủng hoảng tài chính Anh.

Sau khi rời Soros, Bessent thành lập quỹ đầu tư riêng mang tên Key Square Capital Management. Tuy gặp nhiều thăng trầm, quỹ này đã đạt được lợi nhuận đáng kể, bao gồm mức tăng 31% trong năm 2022 và hơn 10% vào năm 2023, nhờ các chiến lược đầu tư táo bạo. Ông được biết đến như một nhà đầu tư cẩn trọng nhưng không kém phần quyết đoán, luôn tìm kiếm những giải pháp sáng tạo dựa trên nghiên cứu sâu rộng.

Bessent không chỉ là một nhà đầu tư mà còn là người có tầm nhìn chính trị rõ ràng. Ông tham gia vào chiến dịch tranh cử của ông Trump với mong muốn tạo ra những thay đổi lớn cho nền kinh tế Mỹ. Theo ông, nước Mỹ cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để giải quyết các vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công.

Ngay sau khi được ông Trump lựa chọn, Bessent đã công bố các ưu tiên chính sách của mình. Ông cam kết biến các đợt cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump thành vĩnh viễn, đồng thời loại bỏ thuế đối với tiền tip, phúc lợi an sinh xã hội và tiền làm thêm giờ. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh đến việc sử dụng thuế quan như một công cụ chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và duy trì vị thế của USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Bessent đã đề xuất một chính sách mang tên “3-3-3,” lấy cảm hứng từ chiến lược “ba mũi tên” nổi tiếng của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ba mũi tên của Bessent bao gồm cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2028, thúc đẩy tăng trưởng GDP 3% thông qua giảm bớt quy định, và sản xuất thêm 3 triệu thùng dầu hoặc tương đương mỗi ngày.

gettyimages-2185929029.jpg
Ông Bessent có quan điểm thương mại cứng rắn (Ảnh: USNews)

Thuế quan và thương mại quốc tế

Quan điểm thuế quan của tân Bộ trưởng Tài chính cũng không kém phần “diều hâu” so với các nhân vật khác trong chính quyền mới. Bessent coi việc sử dụng thuế quan như một công cụ kinh tế chiến lược. Đây sẽ không chỉ là nguồn thu ngân sách mà còn là đòn bẩy để đàm phán và thúc đẩy các quốc gia khác giảm rào cản thương mại với Mỹ.

Bessent đề xuất một hệ thống thuế quan mang tính linh hoạt, tương tự như các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính. Các nước đồng minh có thể được miễn thuế nếu họ cam kết cải cách cơ cấu và hợp tác trong các vấn đề an ninh kinh tế. Ông cũng kêu gọi thành lập các khối thương mại công bằng giữa các quốc gia có chung lợi ích, tạo ra một mạng lưới thương mại tự do thực sự trên cơ sở bình đẳng.

“Thương mại tự do là điều đáng mong muốn,” Bessent phát biểu trong một sự kiện gần đây và nhấn mạnh rằng, để đạt được điều đó, chúng ta cần một cách tiếp cận chủ động hơn trên trường quốc tế.

Dù vậy, Bessent cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong vai trò Bộ trưởng Tài chính.

Ông sẽ giám sát việc bán hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ, một nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh nợ công của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, ông còn phải đảm nhiệm các vấn đề như thu thuế, thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế và tư vấn chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, Bessent cũng sẽ phải đối mặt với những ý kiến trái chiều từ cả trong và ngoài chính quyền. Một số ý kiến chỉ trích cho rằng ông quá chú trọng vào các chiến lược đầu tư ngắn hạn và thiếu tầm nhìn dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông, bao gồm nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, tin rằng Bessent sẽ mang lại sự đổi mới và hiệu quả cho chính sách tài chính của Mỹ.

Nguồn