Chi tiết

Đường sắt cao tốc và đô thị tạo ra thị trường xây dựng trị giá 75,6 tỷ USD, nhiều nhà thầu trong nước đứng trước cơ hội chưa từng có

Việc đầu tư vào tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 75,6 tỷ USD và và 34,1 tỷ USD cho phương tiện, thiết bị, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm.

Chia sẻ trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia chiều 3/10, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong những năm vừa qua, một số doanh nghiệp đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, giai đoạn 2021 – 2025… Điều này giúp các nhà thầu Việt Nam tích lũy thêm năng lực và kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Đội ngũ nhân sự được tăng cường và nâng cao kinh nghiệm quản lý, thi công xây dựng, đồng thời nhiều máy móc, thiết bị cũng đã được đầu tư, mua sắm.

Tại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia thi công với giá trị đảm nhận trung bình của mỗi doanh nghiệp là 500 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu lớn nhất đạt khoảng 2.300 tỷ đồng.

Giá trị xây dựng tại đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đô thị lên đến 75,6 tỷ USD, nhiều nhà thầu Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
Hình ảnh tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Danh Huy, đánh giá: “Hiện nay các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, đã cơ bản làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn, bao gồm những công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như cầu dây văng, cầu bê tông cốt thép nhịp đúc hẫng cân bằng, hầm qua núi, vượt sông…”

Các nhà thầu không ngừng cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ thế giới vào quản lý, điều hành và tổ chức thi công; đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại.

Danh sách nhà thầu tham gia làm các công trình giao thông trọng điểm bao gồm: các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 36, Tổng Công ty 319, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô), Vinaconex, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Xuân Trường, Tập đoàn Trung Nam, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1), CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Tập đoàn CIENCO4, CTCP Lizen, Tập đoàn Trường Thịnh, và nhiều nhà thầu lớn khác.

Điều chỉnh các quy định để thêm các doanh nghiệp trong nước được thực hiện gói thầu quy mô lớn, tạo việc làm cho xã hội

Tuy nhiên, các nhà thầu xây dựng giao thông hiện nay chủ yếu tập trung vào các dự án đường bộ, chưa tham gia nhiều vào các lĩnh vực khác như đường sắt và hàng không. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chuyên môn sâu và công nhân lành nghề, đặc biệt là nhân lực xây dựng, dẫn đến việc tăng giá nhân công, gây khó khăn cho việc huy động nhân lực.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư vào tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, giá trị này sẽ lên tới khoảng 75,6 tỷ USD cho xây dựng và 34,1 tỷ USD cho phương tiện, thiết bị, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm.

Giá trị xây dựng tại đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đô thị lên đến 75,6 tỷ USD, nhiều nhà thầu Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
Đường sắt cao tốc và đô thị tạo ra 75,6 tỷ USD giá trị xây dựng và hàng triệu việc làm

Theo quy định hiện hành, số lượng nhà thầu đủ điều kiện thực hiện các gói thầu quy mô lớn và kỹ thuật cao không nhiều. Do đó, cần nghiên cứu và điều chỉnh các quy định về tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, và quản lý hợp đồng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tài chính mạnh, đội ngũ quản lý và kỹ thuật chuyên môn cao tham gia. Đồng thời, cần huy động lực lượng lao động và kỹ thuật của toàn xã hội, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm.

“Lãnh đạo các nhà thầu cần tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, đặc biệt là các quy định về quản lý chi phí, hợp đồng và đấu thầu, nhằm đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” – lãnh đạo Bộ GTVT khuyến nghị.

Trước đó, chiều 1/10, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thừa nhận Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là dự án đặc biệt và sẽ được thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Về lợi thế, ông Huy cho biết Việt Nam hiện có đội ngũ đủ khả năng thực hiện toàn bộ kết cấu hạ tầng, chẳng hạn như dự án cầu dây văng Mỹ Thuận 2, từ khâu thiết kế đến thi công. Trong lĩnh vực xây dựng hầm, các doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ hoàn toàn. Việt Nam cũng có hai cơ sở công nghiệp đường sắt là nhà máy Xe lửa Dĩ An và nhà máy Xe lửa Gia Lâm, được phát triển từ thời Pháp, hiện nay đã trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, bao gồm cả máy cắt CNC.



Nguồn tin