ELC muốn chi hơn trăm tỷ cùng công ty vài tháng tuổi nhận chuyển nhượng lô đất ở Tây Hồ Tây
Ngày 28/11/2024, HĐQT CTCP Công Nghệ – Viễn Thông Elcom (HOSE: ELC) thông qua chủ trưởng nhận chuyển nhượng lô H1CC1 thuộc dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây – giai đoạn 1, phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liên, TP Hà Nội từ Công ty TNHH Phát triển Tây Hồ Tây.
Lô đất ELC nhận chuyển nhượng có diện tích đất 7,561m2, diện tích xây dựng 3,024m2, bao gồm 3-17 tầng nổi và 2 tầng hầm. Số tiền cần chi để nhận chuyển nhượng dự án này là tối đa 215 tỷ đồng.
Công ty cho biết mục đích nhận chuyển nhượng là nhằm đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành một khu tổ hợp văn phòng, dịch vụ, trung tâm thương mại, văn hóa tổng hợp Tây Hồ Tây ở ô đất kể trên.
Tuy nhiên, ELC không phải là đơn vị duy nhất nhận chuyển nhượng dự án. Theo đó, HĐQT ELC thông qua việc liên danh với CTCP Đầu tư và Phát triển MBH đến nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty Tây Hồ Tây. Trong đó, mỗi bên có trách nhiệm thanh toán 50% tổng số tiền nhận chuyển nhượng cho Công ty Tây Hồ Tây, tương ứng mỗi công ty 107.5 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là ELC sẽ sử dụng nguồn tiền nào để nhận chuyển nhượng dự án khi trong lần thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vào giữa tháng 10/2024, ELC hoàn toàn không nhắc đến việc sử dụng vốn cho mục đích nhận chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, với tổng số tiền thu được gần 125 tỷ đồng (chưa trừ chi phí liên quan) từ đợt chào bán, ELC dự kiến phân bổ 82 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty và gần 43 tỷ đồng để nghiên cứu một số công nghệ, sản phẩm mới.
Đối với 82 tỷ đồng, ELC sẽ dùng 66 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi của hợp đồng cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB) – chi nhánh Thăng Long, còn 16 tỷ đồng sẽ thanh toán công nợ cho các nhà cung cấp. Còn các công nghệ cần đầu tư gần 43 tỷ đồng của ELC gồm nghiên cứu công nghệ GenAI, thử nghiệm công nghệ Camera AI thế hệ mới, nền tảng kho dữ liệu thông minh và công nghệ chặn thu vệ tinh, xử lý tín hiệu.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của ELC sụt giảm đáng kể khi doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 6.5% và gần 46%, còn gần 428 tỷ đồng và gần 21 tỷ đồng.
Công ty Tây Hồ Tây và đối tác MBH là ai?
Công ty Tây Hồ Tây là chủ đầu tư dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại Starlake), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2005 và được cấp giấy phép đầu tư trong năm sau đó.
Dự án thực hiện trên khu đất diện tích hơn 162ha, thuộc khu vực Tây Hồ Tây, trên địa giới hành chính của các phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Xuân Tao và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), TP. Hà Nội, đáp ứng nơi ở cho khoảng 24,300 người.
Quy mô đầu tư khu đô thị hơn 30 ngàn tỷ đồng, tương đương 1.3 tỷ USD. Trong đó, vốn góp thực hiện dự án là hơn 4,500 tỷ đồng và vốn huy động là gần 26 ngàn tỷ đồng. Dự án hoạt động trong thời hạn 56 năm, kể từ năm 2006. Sau khi kết thúc, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được chuyển giao không bồi hoàn cho UBND TP. Hà Nội.
Trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây gồm các trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế, khách sạn cao cấp, văn phòng giao dịch, nhà ở, quảng trường trung tâm, trục đi bộ trung tâm, cây xanh, mặt nước…
Dự án dự kiến thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành giải phóng mặt bằng từ năm 2010 đến năm 2018; hoàn thành việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật năm 2018 và hoàn thành phát triển giai đoạn 1 năm 2024. Giai đoạn 2 hoàn thành đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong vòng 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất sạch; hoàn thành việc phát triển và đưa vào kinh doanh trong vòng 60 tháng kể từ ngày được bàn giao.
Phối cảnh dự án khu đô thị Tây Hồ Tây
|
Công ty Tây Hồ Tây sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đô thị, xây dựng công trình tại các ô đất theo quy hoạch được duyệt, ngoại trừ các ô đất đã chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Công ty Phát triển THT cũng đã liên tiếp chuyển nhượng 2 dự án thành phần cho nhà đầu tư thứ cấp. Cụ thể, dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hà Nội tại ô đất B2CC3, hơn 1.1 ha, tầng cao 23 tầng, cho CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1,800 tỷ đồng; và dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm tại ô đất B1CC1-2, diện tích gần 2.4 ha, tầng cao tối đa 5 tầng, cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, có quy mô đầu tư hơn 550 tỷ đồng.
Công ty Tây Hồ Tây là doanh nghiệp vốn ngoại, ban đầu hình thành trên cơ sở cổ phần của 5 doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc, gồm (1) Daewoo Engineering & Construction Co., Ltd, (2) Daewon Co., Ltd, (3) Dong IL Highvill Co., Ltd, (4) Keangnam Enterprises., Ltd và (5) Kolon Engineering & Construction Co., Ltd. Đến nay, Công ty Tây Hồ Tây do Daewoo Engineering & Construction Co., Ltd nắm giữ 100% vốn sau khi được 4 cổ đông chuyển nhượng vốn. Ông An Kuk Jin làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngày 31/10/2024 vừa qua, phần vốn ông An Kuk Jin đại diện tăng thêm từ gần 4.6 ngàn tỷ đồng lên gần 4.6 triệu tỷ đồng.
Về phía đối tác liên danh của ELC, Công ty MBH mới thành lập vào ngày 07/03/2024; trụ sở tại tòa nhà Vimeco, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, bao gồm bán/chuyển nhượng, cho thuê/cho thuê lại/cho thuê mua bất động sản và chuyển nhượng/cho thuê lại quyền sử dụng đất. Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật bà Nguyễn Thị Kim Cúc (sinh năm 1992) góp 20%, bà Phạm Mai Anh góp 30%, bà Lưu Diệu Huyền góp 25% và Nguyễn Vũ Miên góp 25%.
Bà Huyền còn là cổ đông sáng lập và Giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Kỹ thuật Thương mại Đại Cát; trụ sở tại tòa nhà 381 Đội Cấn, Hà Nội. Doanh nghiệp thành lập vào tháng 7/2023 với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn chuyên doanh phần bón, thuốc trừ sâu; sản phẩm, nguyên liệu men vi sinh sử dụng cho thực phẩm chức năng; sản phẩm, chế phẩn, sinh hoạch phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi. Vốn điều lệ 1 tỷ đồng trong đó bà Huyền góp 40%, Nguyễn Thị Thanh Hiền 30% và Nguyễn Thị Hoàng Thanh 30%.