Chi tiết

EU cảnh báo “trả đũa” Mỹ nếu khơi mào chiến tranh thương mại

lindne.jpeg
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo về cuộc trả đũa thương mại nếu Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa châu Âu (Ảnh: European Newsroom)

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vừa cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với EU. “Tranh chấp thương mại không bao giờ có người thắng, chỉ có kẻ thua,” ông Lindner nói bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, D.C.

Ông Lindner gợi ý rằng chính sách thương mại của Mỹ trong trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống sẽ là một vấn đề hệ trọng. “Trong trường hợp đó, chúng ta cần các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục bất kỳ ai vào Nhà Trắng rằng, việc có xung đột thương mại với EU không phải là lợi ích tốt nhất của Mỹ. Chúng ta sẽ phải xem xét việc trả đũa,” ông nói.

Ông Lindner cho rằng vấn đề của Mỹ về thương mại nằm ở Trung Quốc chứ không phải ở EU, đồng thời nhấn mạnh rằng EU không nên trở thành tác động phụ tiêu cực trong cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, ông Trump đã đưa ra ý tưởng áp đặt thuế suất chung từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, bất kể chúng đến từ đâu nếu ông tái đắc cử. Nếu Mỹ áp dụng thuế suất 20% này, GDP của EU và Đức sẽ giảm trong những năm tới, theo một nghiên cứu từ Viện kinh tế Đức IW.

Thương mại là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế lớn hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên cũng chính điều này khiến Đức đối mặt với nhiều bất ổn hơn khi căng thẳng gia tăng.

Đầu tháng này, Văn phòng Thống kê Đức (Destatis) cho biết kể từ năm 2021, Mỹ đã là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức, chỉ sau Trung Quốc. Riêng trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch thương mại của Đức với Mỹ đã cao hơn với Trung Quốc. Năm 2023, khoảng 9,9% hàng xuất khẩu của Đức được đưa đến Mỹ.

Đồng quan điểm với Đức, nhiều lãnh đạo châu Âu dường như cảnh giác và đoàn kết hơn nhằm ứng phó với Mỹ nếu ông Trump thắng cử và áp đặt thuế quan lên hàng hóa châu Âu.

“Chúng tôi sẽ đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ,” tờ Politico dẫn lời một trong hai nhà ngoại giao cấp cao châu Âu giấu tên nói về kế hoạch dự phòng của EU cho một cuộc chiến thương mại với Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử.

Trump EU
EU từng bị bất ngờ với chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ dưới thời ông Donald Trump (Ảnh: CNN)

EU được cho đã thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để chuẩn bị cho những hệ quả từ cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5 tháng 11 tới. Lực lượng này được thành lập dưới quyền điều hành của EU do Chủ tịch Ursula von der Leyen chỉ đạo nhằm chuẩn bị các chiến lược cho các tình huống đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa ở Mỹ giành chiến thắng.

EU được cho đã bị bất ngờ về mặt chính sách vào năm 2018 khi ông Trump lần đầu áp đặt thuế quan lên thép và nhôm của EU – một đồng minh thân cận của Mỹ. Cuối năm đó, ông Trump lại đe dọa áp thuế lên xuất khẩu ô tô của EU. Dù cuối cùng điều đó không xảy ra, các chuyên gia thừa nhận EU đã bị sốc khi thấy ông Trump sẵn sàng phá vỡ chuỗi cung ứng và gạt bỏ quan hệ với các đồng minh quan trọng nhất của Washington vì các lợi ích riêng.

Các nhà lãnh đạo EU tin rằng càng đáp trả mạnh mẽ, ông Trump sẽ càng sớm phải ngồi vào bàn đàm phán. Mục tiêu là gây thiệt hại đủ lớn để ông Trump buộc phải đàm phán ngay lập tức với EU. Họ cho rằng nếu không làm vậy, có nguy cơ xảy ra cuộc trả đũa kéo dài trong nhiều năm.

Ông Trump không che giấu ý định áp thuế chung 10% hoặc 20% lên các nước đối tác nếu ông thắng cử, bất kể đó là Trung Quốc hay đồng minh EU. Trong các bài phát biểu vận động tranh cử, ông đã hứa không chỉ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách áp thuế lên sản phẩm châu Âu mà còn buộc các doanh nghiệp châu Âu chuyển nhà máy sang Mỹ.

Tuần trước, ông Trump cũng phàn nàn về các cuộc điều tra cạnh tranh của EU đối với các công ty công nghệ Mỹ sau phán quyết của tòa án EU buộc Apple phải trả 13 tỷ euro tiền thuế chưa nộp cho Ireland. Ông Trump cam kết sẽ giải quyết những quyết định đó nếu ông thắng cử.

Các lãnh đạo, quan chức và doanh nhân châu Âu đặc biệt lo ngại về thái độ của ông Trump đối với ngành công nghiệp ô tô của Đức. Bởi vì, Mỹ là nước nhập khẩu xe hơi Đức lớn nhất, hơn cả Trung Quốc, tính theo giá trị.

Nguồn