Khi đưa ra quyết định lãi suất trong cuộc họp tháng 12, cuộc họp cuối cùng của năm 2024, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gặp một số khó khăn. Đó là sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa một bộ phận lớn của nền kinh tế đã trụ vững qua chiến dịch chống lạm phát của Fed và một phần quan trọng khác của bức tranh kinh tế không có được sự vững vàng như vậy.
Phần lớn doanh nghiệp Mỹ đã vượt qua được quãng thời gian 3 năm qua mà không chịu tổn thất gì đáng kể từ việc Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 16 năm để chống lạm phát. Sức bền này là một nhân tố phía sau việc thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập những kỷ lục mới, tỷ lệ thất nghiệp của nước này duy trì ở mức thấp và thu nhập của người lao động tăng nhanh hơn so với lạm phát.
Tuy nhiên, lãi suất tăng cao đã làm suy yếu hoạt động trong một vài lĩnh vực giữ vai trò quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế nói chung. Chẳng hạn, doanh số bán nhà bị ghìm ở mức thấp. Sản lượng của lĩnh vực sản xuất đã gần như trì trệ trong 2 năm, dù thị trường chứng khoán bùng nổ nhưng hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp hết sức ảm đạm.
Những bộ phận còn đuối này của nền kinh tế có thể khiến Fed chần chừ trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhất là khi hai mục tiêu chính của ngân hàng trung ương này là ngăn đà leo thang của giá cả và chống tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đã trở nên cân bằng hơn. Với tỷ lệ lạm phát hiện đã giảm về khá gần mục tiêu 2% mà Fed đề ra, giới chức Fed đang cân nhắc có nên tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ những khu vực kinh tế đang èo uột, bởi việc giảm lãi suất thêm sẽ đồng nghĩa “tiếp lửa” cho những khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặt ra rủi ro lạm phát “bốc đầu” trở lại.
FED VÀ CÔNG CỤ CHÍNH SÁCH KHÔNG SẮC BÉN
Theo nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Ngân hàng Goldman Sachs, những mảng màu tương phản trong bức tranh kinh tế đang làm khó việc xác định xem liệu điều kiện tài chính – tức độ khó, dễ của việc vay vốn hoặc huy động vốn ở mức lãi suất phải chăng – đang ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động kinh tế. “Nếu mọi thứ không đi theo một hướng, việc những khác biệt đó được đánh giá như thế nào sẽ dẫn tới những hệ quả không đồng nhất”, ông Hatzius nói với tờ báo Wall Street Journal.
Những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức Fed khác gần đây cho thấy cánh cửa cho việc hạ lãi suất vào tháng 12/2024 được để ngỏ, nhưng không phải là một điều chắc chắn. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch cũng đã hạ đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2024. Vào thời điểm ngày 21/11/2024, thị trường đặt cược khả năng chỉ 52% Fed sẽ hạ lãi suất trong lần họp của tháng 12/2024, giảm từ mức trên 80% cách đó 1 tuần, trong khi khả năng Fed không hạ lãi suất tăng lên mức gần 48%.
“Nền kinh tế hiện tại không phát đi tín hiệu nào cho thấy cần phải vội vàng trong việc giảm lãi suất”, ông Powell nói – một quan điểm mà nhiều nhà đầu tư cho rằng đã bớt mềm mỏng hơn so với những phát biểu gần đây của ông. Tháng 8/2024, ông Powell nói “đã đến lúc chính sách phải điều chỉnh”.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học đều tin rằng hiệu ứng của việc tăng lãi suất là không đồng nhất đối với các khu vực kinh tế khác nhau. Trong nền kinh tế thời đại dịch Covid-19, việc vay mượn đã trở nên bớt quan trọng hơn ở một số khu vực kinh tế chủ chốt, nhưng vẫn có tầm quan trọng lớn ở những khu vực khác.
Lãi suất cho vay qua đêm của Fed đã duy trì trên mức 5% trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, trong quý 3 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ vẫn tăng trưởng với tốc độ 2,8% (đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ để phản ánh mức tăng theo kỳ 1 năm – SAAR). Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức 4,1%, vẫn thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Dù tiến trình giảm lạm phát ở Mỹ đã đạt được bước tiến trong 2 năm qua, tốc độ lạm phát theo thước đo được Fed ưa chuộng đang có dấu hiệu chững trên ngưỡng 2%.
Tín hiệu từ thị trường cho thấy nhà đầu tư hiện tại không lo lắng về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 25% trong năm nay. Lợi nhuận của các công ty thành viên trong chỉ số này được dự báo tăng 10% trong năm 2024 và tăng thêm 15% trong năm 2025. Những công ty ổn định nhất của Mỹ đang đi vay với lãi suất gần như ngang bằng với lãi suất đi vay của Bộ Tài chính nước này – một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư trái phiếu nhận thấy nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp chỉ ở mức tối thiểu.
NHỮNG BỘ PHẬN THỪA TIỀN VÀ THIẾU TIỀN
Từ đại dịch đến nay, các công ty công nghệ lớn với lượng tiền mặt dồi dào đã gia tăng tỷ trọng đầu tư cơ bản và đồng vốn đầu tư của họ nhìn chung miễn nhiễm với lãi suất cao. Chi đầu tư cơ bản của các công ty S&P 500 đang trên đà đạt mức tăng trưởng 11% trong năm 2024 và 8% trong năm 2025, một xu hướng mà các đợt tăng của Fed không thế làm suy suyển, theo dữ liệu của FactSet.
“Những công ty như Apple, Amazon hay Alphabet không phải đi vay tiền nên việc lãi suất tăng không ảnh hưởng đến đầu tư cơ bản của họ. Cơ chế truyền dẫn giữa lãi suất và nền kinh tế đã bị gián đoạn”, chiến lược gia trưởng Chris Senyek của Wolfe Research nhận định.
Ở phạm vi nhỏ hơn, tài khoản ngân hàng dồi dào cũng giúp người tiêu dùng Mỹ “miễn nhiễm” với ảnh hưởng của lãi suất cao. Trong đại dịch, những tấm séc kích cầu và tốc độ chi tiêu giảm xuống đã giúp các hộ gia đình Mỹ tiết kiệm thêm được 2,1 nghìn tỷ USD tính đến tháng 8/2021 so với trường hợp không có những yếu tố này, theo một nghiên cứu của Fed Chi nhánh Chicago.
Lượng tiền mặt lớn trong nền kinh tế, cùng với sự tăng trưởng tiền lương gần đây đã vượt qua tốc độ lạm phát, giúp “cách ly” người tiêu dùng khỏi ảnh hưởng tiêu cực của lãi suất cao hơn ở các khoản vay thẻ tín dụng và vay khác. Trong phần lớn thời gian của năm 2024, chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm hơn 5%, giữ vai trò một sự hỗ trợ quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng và công ăn việc làm mới được tạo ra, nhất là trong các ngành dịch vụ.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những khu vực kém vững vàng hơn của nền kinh tế, không thể vận hành tốt nếu không vay tiền. Đó là lĩnh vực bất động sản, hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp.
Nước Mỹ có thêm số lượng ròng việc làm mới đạt 1,7 triệu công việc trong năm nay, nhưng số lao động trong lĩnh vực sản xuất đã giảm 87.000 người so với thời điểm cuối năm 2023 – theo số liệu từ Bộ Lao động. Trong báo cáo Beige Book mới đây nhất, Fed cho biết phần lớn các khu vực địa lý của đất nước báo cáo sự suy giảm của hoạt động sản xuất.
Ở Phố Wall, lãi suất cao đã khiến các công ty đầu tư cổ phần tư nhân trở nên dè dặt, dẫn tới sự suy giảm của hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh khi lãi suất ở ngưỡng gần 0 vào năm 2020-2021.
Bất động sản nhà ở là lĩnh vực hứng chịu tác động thuộc hàng nặng nề nhất từ chiến dịch tăng lãi suất của Fed. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng ở Mỹ đang trên đà hoàn tất năm giảm mạnh nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây do người mua nhà bằng khoản vay thế chấp nhà phải đối mặt với mức lãi suất gần 7%. “Việc doanh số bán nhà thấp bất thường trong năm ngoái và năm nay, bất chấp thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, là một điều đáng thất vọng”, nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) phát biểu.
Lãi suất cao kết hợp với xu hướng làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19 cũng đặt ra một “cơn gió ngược” đối với lĩnh vực bất động sản thương mại. Giá bất động sản thương mại ở Mỹ giảm hơn 9% trong 9 tháng đầu năm 2024, theo CoStar Group. “Vấn đề nằm ở tốc độ tăng của lãi suất”, ông James Millon, người đứng đầu bộ phận nợ Mỹ và tài chính cấu trúc của Công ty dịch vụ bất động sản CBRE, nhận định với Wall Street Journal. Ông nói rằng kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận từ các thương vụ bất động sản đến hiện tại vẫn đang trong quá trình điều chỉnh.