Chi tiết

Gạo Việt tăng giá trở lại

Giá gạo Việt Nam giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn dù Ấn Độ quay lại thị trường.

Cuối tháng 10, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, khiến giá gạo trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mỗi tấn gạo 5% tấm của Pakistan, Thái Lan 457-490 USD, giảm 5-10% so với trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.

Trái ngược với xu hướng chung, mỗi tấn gạo Việt Nam sau khi giảm nhẹ xuống gần 500 USD, đã tăng trở lại từ 21/11 và đạt 522 USD. Điều này giúp hàng Việt duy trì vị trí đắt đỏ trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Gạo bán tại cửa hàng ở miền Tây. Ảnh: Thuỷ Tiên

Gạo bán tại cửa hàng ở miền Tây, tháng 11/2024. Ảnh: Thủy Tiên

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,9 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo bình quân đạt 626,2 USD một tấn, tăng 12%.

Philippines vẫn là nước mua gạo Việt nhiều nhất, trên 45% tổng lượng xuất khẩu, tiếp theo là Indonesia 14,4% và Malaysia 8,5%. Việc Indonesia tiếp tục mua một số loại gạo chuyên dụng từ Việt Nam giúp thị trường xuất khẩu không bị ảnh hưởng.

Tại thị trường nội địa, giá lúa trong dân cũng tăng trở lại nhờ nguồn cung hạn chế. Khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá lúa tại kho đắt thêm 500 đồng một kg so với tuần trước, lên hơn 9.200 đồng một kg.

Ông Huỳnh, nông dân ở An Giang chia sẻ vài ngày qua, thương lái báo giá thu mua lúa tăng thêm 200-300 đồng một kg. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho thấp khiến ông giữ lại lượng đủ dùng, chờ vụ thu hoạch sắp tới.

Theo một doanh nghiệp thu mua gạo tại Đồng Tháp, nguồn cung lúa vụ thu đông hiện nay hạn chế vì đã cuối vụ. Đầu tháng 10, mỗi ngày doanh nghiệp thu mua 1.000-1.500 tấn, hiện khoảng 300-500 tấn.

Nguồn cung giảm khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng. Ngoài ra, hàng Việt chủ yếu là gạo thơm, dẻo thuộc phân khúc trung và cao cấp, cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác.

Xu hướng canh tác trong nước cũng có sự thay đổi đáng kể, khi nông dân chuyển dần sang các giống gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định nhờ sự chuyển đổi này, hàng Việt đang khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Ngược lại, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu gạo, khi 10 tháng đầu năm đạt 3,2 triệu tấn gạo, tương đương 1,2 tỷ USD. Mức này tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Philippines và Indonesia.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, sản lượng lúa năm nay đạt khoảng 43 triệu tấn, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy gạo Việt giữ vị thế về chất lượng, tăng uy tín trên thị trường quốc tế.

Thi Hà


Nguồn tin: https://vnexpress.net/gao-viet-tang-gia-tro-lai-4819716.html