Chiều ngày 8/10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Mục tiêu của dự luật là phát triển ngành công nghiệp công nghệ số thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự luật không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước chuyển dịch từ hoạt động gia công, lắp ráp sang các lĩnh vực sáng tạo, thiết kế, sản xuất và làm chủ công nghệ lõi. Việc này sẽ tạo động lực lớn cho quá trình phát triển kinh tế số và mang lại những đột phá về công nghệ cho Việt Nam.
Cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT đã phản ứng ngay lập tức với thông tin này. Phiên 9/10, FPT tăng 1,2% trước khi tiếp tục tăng thêm 4,5% (lúc 13h55) phiên 10/10.
Cổ phiếu FPT có tới 7 tuần phá đỉnh giá sau hơn 9 tháng |
Tại mức 141.400 đồng, cổ phiếu FPT tiếp tục thiết lập kỷ lục giá mới, cao hơn 70% so với thời điểm đầu năm.
Nắm 6,08% vốn công ty, tương đương hơn 88,7 triệu cổ phiếu, khối tài sản của Chủ tịch Trương Gia Bình tăng lên mức 12.555 tỷ đồng, vượt qua bà Vũ Thị Hiền – vợ Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long để đứng thứ 7 trong Top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Trong khi đó, với mức vốn hóa hơn 206.000 tỷ đồng, Tập đoàn FPT cũng vượt qua nhiều tên tuổi như Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes, Techcombank, VPBank, ACB, Masan… để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đang niêm yết trên sàn.
Ra mắt sàn chứng khoán hồi tháng 12/2006, đến thời điểm hiện tại, FPT là doanh nghiệp VN30 duy trì được chuỗi tăng trưởng kinh doanh ấn tượng sau gần hai thập kỷ.
Trước khi niêm yết, lợi nhuận của tập đoàn chỉ đạt 301 tỷ đồng (năm 2005), nhưng đến cuối năm 2023, con số đã lên tới gần 7.800 tỷ đồng (gấp gần 26 lần). Trong 6 tháng đầu năm 2024, FPT đã thu về 4.450 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 50% kế hoạch cả năm.