Chi tiết

Giá điện cần hợp lý, minh bạch

Tại tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20-8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, đặt vấn đề: Giá điện rẻ thì ai cũng thích nhưng nếu rẻ đến mức mà ngành điện thua lỗ, không có điện để mua thì cũng không thích. Trong khi đó, người dân cũng sợ có điện nhưng giá không hợp lý.

Theo ông Thỏa, giá điện đang có quá nhiều bất cập, khiến hai 2 năm 2022 – 2023, ngành điện lỗ khoảng 47.500 tỉ đồng. Bất cập đáng kể là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường khi toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỉ giá… đã theo thị trường nhưng giá đầu ra lại không phản ánh đúng biến động chi phí. Bên cạnh đó, giá điện phải “gánh vác” nhiệm vụ bù chéo giữa khu vực sinh hoạt – sản xuất, đồng bằng – hải đảo và chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. “Giá điện phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường và đặc biệt là phải minh bạch” – ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý.

PGS-TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, lo ngại Tập đoàn Điện lực Việt Nam thua lỗ kéo dài, ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện, dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Chưa kể, nếu tập đoàn bị lỗ quá nhiều quá sẽ tạo thành “hiệu ứng domino” khiến khó thu hút đầu tư vào ngành điện.

Để giải quyết những “nút thắt” trên, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần tăng tính cạnh tranh và tính thị trường trong việc bán điện và tính giá. Trong đó, cạnh tranh ở khâu bán lẻ sẽ giúp kiểm soát độc quyền, từ đó người tiêu dùng mới có cơ hội được hưởng giá cạnh tranh. Vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc sửa đổi Luật Điện lực và xem xét lại Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cùng nhiều động thái khác – kể cả tạo lập hạ tầng điện.

Source link