Chi tiết

Giá gạo “chạm đáy” 2 năm, doanh nghiệp cần “bệ đỡ”

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2023.

Bản sao 42d214_62109f63438c43758b2640888093df54~mv2
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua do nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong khi giá gạo Ấn Độ vẫn ổn định gần mức thấp nhất trong 17 tháng.

Doanh nghiệp đánh giá, các hoạt động giao dịch trong tuần này diễn ra ảm đạm do nhu cầu yếu. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào đầu tháng sau.

Bộ Công Thương Việt Nam cho biết giá gạo giảm trong tuần qua là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 436 – 442 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo Ấn Độ duy trì gần mức thấp nhất trong 17 tháng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee suy yếu. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 440-449 USD/tấn.

Về giá lúa trong nước, những ngày đầu tháng 1, lúa thường tại ruộng có giá bình quân hơn 6.400 đồng/kg, giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 12/2024, lúa thường tại kho bình quân 7.400 đồng/kg, giảm hơn 400 đồng/kg.

xkgao.jpg
Theo các doanh nghiệp, giá bán và kỷ lục về xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 khó duy trì trong năm 2025.

Đáng lưu ý, theo dự báo của các doanh nghiệp, giá bán và kỷ lục về xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 khó duy trì trong năm 2025.

Như ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV lý giải, giá gạo xuất khẩu gần đây giảm mạnh do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn đang nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập khẩu gạo giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.

Theo ông Thành, năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu gạo, giúp tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên chưa vội mua gạo lúc này và đang chờ giá xuống.

Trong khi đó, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, gần đây có thông tin Philippines đang đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhiều hơn. Các khách hàng tư nhân từ Philippines thường xuyên mua gạo của Việt Nam hạn chế mua vì cân đối tài chính, quay vòng vốn hay trả nợ ngân hàng… khiến thị trường lắng xuống.

Một số động thái trên cộng với thông tin rằng sản lượng lương thực năm 2025 sẽ dồi dào khiến thị trường bị tác động mạnh. Một số dự đoán cho rằng, với diễn biến thị trường như hiện nay, khả năng sang vụ Hè Thu 2025, diện tích sản xuất lúa Việt Nam sẽ thu hẹp, các doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn giá thấp có nguy cơ lỗ trong tương lai khi thị trường sốt giá trở lại.

Trước mắt, khi vụ Đông Xuân 2024-2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân do Indonesia và Philippines sẽ mua chậm lại vì lượng nhập khẩu đạt kỷ lục trong năm 2024. Bên cạnh đó, các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao có giá tốt sẽ kích thích nông dân lựa chọn phân khúc này nhiều hơn, khi nguồn cung tăng kéo theo áp lực giảm giá.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân giai đoạn này, các ý kiến đề xuất, các doanh nghiệp cần chủ động tài chính, khi giá lúa gạo thấp nên đưa vào tạm trữ. Trường hợp xấu hơn, Nhà nước nên hỗ trợ về lãi suất để ngân hàng cung cấp vốn ưu đãi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần “bệ đỡ”, sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng và Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Với vai trò quản lý nhà nước, được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

“Trong đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Nguồn