Giá vàng thế giới không giữ được mốc chủ chốt 2.400 USD/oz trong phiên giao dịch đầu tuần do nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9. Ngoài ra, thị trường cũng thận trọng trước khi đón nhận một số báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng trong tuần này.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ dừng ở mức 2.397,6 USD/oz, giảm 4,2 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước, tương đương giảm 0,17% – theo dữ liệu của sàn giao dịch Kitco.
Lúc hơn 8h sáng nay (23/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,2 USD/oz so với chốt phiên New York, giao dịch ở mức 2.399,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 73,7 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Vàng giảm giá khi đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 không còn lớn như tuần trước. Theo dữ liệu mới nhất từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 hiện còn 88,5%, so với mức gần 100% vào tuần trước.
Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, nhường vị trí ứng cử viên của Đảng Dân chủ cho Phó tổng thống Kamala Harris, có thể làm gia tăng mức độ bất ổn trên thị trường tài chính, từ đó làm phát sinh nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Đây có thể là yếu tố giúp giá vàng không giảm sâu hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng đang đánh giá lại triển vọng cán cân quyền lực ở Washington sau kỳ bầu cử vào tháng 11. Dù cựu Tổng thống Donald Trump – ứng cử viên của Đảng Cộng hòa – vẫn đang giữ ưu thế, giới phân tích cho rằng việc ông Biden bỏ cuộc sẽ giúp tăng cơ hội cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Một khi Quốc hội Mỹ có sự chia rẽ quyền lực lớn, ông Trump sẽ không dễ dàng thông qua tất cả các chính sách.
Trong khi đó, giá vàng đã hưởng lợi gần đây vì giới đầu tư tin rằng các chính sách kinh tế của ông Trump như tăng thuế quan và giảm thuế trong nước sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trên phương diện kỹ thuật, nhà phân tích James Hyerczyk của công ty FX Empire cho rằng ngưỡng bình quân 50 ngày ở 2.359,86 USD/oz đang là ngưỡng hỗ trợ chủ chốt của giá vàng, còn ngưỡng bình quân 200 ngày ở 2.163,01 USD/oz đang là mức hỗ trợ dài hạn. Ông cho rằng giá vàng vẫn giữ được xu hướng tăng dài hạn, nhưng rủi ro giảm giá cũng tăng tăng lên nhiều.
“Nếu không giữ được mức hỗ trợ gần nhất là 2.385,28 USD/oz, giá vàng có thể giảm sâu hơn trong ngắn hạn. Vùng 2.450-2.480 USD/oz đang là kháng cự ngắn hạn. Nếu giá vàng vượt được 2.483,74 USD/oz, mục tiêu tiếp theo sẽ là mốc 2.500 USD/oz. Nhưng nếu giảm dưới mức bình quân 50 ngày, giá vàng có thể điều chỉnh sâu hơn”, ông Hyerczyk nói với trang Kitco News.
Nhà phân tích Rhona O’Connell của công ty StoneX nhận định nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống, giá vàng sẽ có môi trường thuận lợi để tăng giá do áp lực lạm phát và căng thẳng địa chính trị sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bà O’Connell cũng cho rằng hiện tại còn quá sớm để đặt cược chiến lược vào vàng.
Tuần này sẽ có một số báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, gồm số liệu GDP quý 2 vào ngày thứ Năm và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng nên có thể chi phối các quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương này.
Theo một cuộc khảo sát của trang MarketWatch, giới chuyên gia dự báo PCE Mỹ tăng 2,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 2,6% ghi nhận trong tháng 5.
Đồng USD giảm giá nhẹ trong phiên ngày thứ Hai, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 104,31 điểm. Sáng nay, chỉ số tiếp tục giảm nhẹ, có thời điểm đứng ở mức 104,26 điểm – theo dữ liệu từ MarketWatch.