Sau 7 phiên liên tiếp nằm “bất động” liên tục từ ngày 01-07/10 ở mức giá bán ra là 84.000.000 đồng/lượng, trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 08/10), giá vàng miếng SJC trong nước đồng loạt được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giá tăng mạnh lên 1.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều giao dịch mua và bán. Qua đó, đưa giá vàng miếng SJC trong nước lên mức giá cao 85 triệu đồng/lượng – kỷ lục của giai đoạn gần như liên tục đi ngang này.
Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành kim hoàn Việt Nam như Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty PNJ, Công ty DOJI, Bảo Tín Minh Châu, hay Phú Quý SJC… đều có mức tăng giá 1.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều giao dịch mua và bán, so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, qua đó, nâng mức giá vàng miếng SJC lên 83.000.000 đồng/lượng mua vào và 85.000.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa mua và bán đạt 2.000.000 đồng/lượng.
Cũng trong sáng nay, 4 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank cùng thông báo giá bán vàng miếng SJC ở mức 85.000.000 đồng/lượng tới người dân.
Với mức giá bán ra là 85.000.000 đồng/lượng, hiện giá vàng miếng trong nước đang cao hơn so với giá vàng thế giới ở cùng thời điểm là khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Khác với xu hướng tăng mạnh của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức của nhiều doanh nghiệp trong phiên giao dịch ngày hôm nay gần như không biến động. Theo đó, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ở cả hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM được doanh nghiệp niêm yết với mức giá 82.700.000 đồng/lượng mua vào và 83.600.000 đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với mức giá ở thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 7/10.
Tương tự, tại DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Công ty Mi Hồng, giá vàng nhẫn cùng được duy trì ở vùng giá cao 82.500.000 đồng/lượng mua vào và 83.600.000 đồng/lượng bán ra, không biến động so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, giá vàng 9999 tại Công ty SJC được niêm yết với mức giá 82.650.000 đồng/lượng mua vào và 83.580.000 đồng/lượng bán ra, cũng không thay đổi so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng được giao dịch xung quanh mức giá 2.642 USD/ounce, giảm nhẹ so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Các chuyên gia cho rằng, đà giảm giá của vàng trong thời gian qua được kìm hãm do bất ổn tại Trung Đông leo thang. Các dữ liệu kinh tế công bố vào tuần trước không còn tác động nhiều đến thị trường.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định không mua vàng dự trữ trong tháng 9, kéo dài chuỗi không hoạt động lên tháng thứ 5 liên tiếp. Trước đó, PBoC đã mua vàng hàng tháng trong 18 tháng liên tiếp cho đến khi họ lần đầu ngừng mua vào tháng 5.
Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc vẫn ở mức 2.063,84 tấn vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, giá trị dự trữ vàng của nước này đã tăng lên 191,47 tỷ USD tính đến ngày 30/9, tăng từ mức 182,98 tỷ USD vào cuối tháng 8, do giá trị kim loại vàng tăng.
Theo chuyên gia Jesse Colombo, nhà phân tích độc lập, tình hình phức tạp tại Trung Đông không ai có thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Do đó, mọi người đổ xô mua vàng và giữ cho mức giá ổn định như hiện tại.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Marc Chandler – Giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex nhận định rằng, báo cáo việc làm công bố tuần trước có thể khiến giá vàng mất ngưỡng 2.600 USD/ounce trong thời gian tới. Nhưng dữ liệu lạm phát công bố vào cuối tuần này, có thể giúp vàng lấy lại đà tăng.
Trong dài hạn, ông Brian Lan, chuyên gia tại GoldSilver Central nhận định, căng thẳng ở Trung Đông và cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Vị chuyên gia này dự báo, giá vàng có thể sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 2.685 USD/ounce.