Chi tiết

Giá vàng năm 2025 liệu có giữ đà tăng?

Với tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp như hiện nay, giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.

vangtanggia.jpg
Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.

Năm 2024, theo Global Times, thị trường vàng toàn cầu ghi nhận hoạt động mạnh mẽ nhất trong hơn một thập kỷ vừa qua. Nhiều nhà phân tích dự đoán sự phục hồi và tăng giá vàng sẽ diễn ra, kéo dài trong năm 2025 bởi nhiều yếu tố tăng giá, trong đó có nguyên nhân nhiều ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ tích cực mua vào để đa dạng hóa dự trữ, đối phó với biến động của kinh tế và chính trị toàn cầu.

Có thể có người không chú ý lắm tới thông tin ngày 10 tháng 1 năm 2025, chính quyền Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào các hãng dầu, tàu dầu, công ty trung gian, nhà buôn và cảng biển của Nga. Những hãng dầu lớn nhất của Nga như Gazprom Neft, Surgutneftegas cùng đội tàu 183 chiếc đều thuộc đối tượng bị lệnh trừng phạt này áp đặt.

Hiểu đơn giản nhất là Mỹ cấm đồng minh mua dầu từ Nga, cấm sử dụng đồng USD để giao dịch dầu mỏ với Nga. Nếu có, chỉ được mua với số lượng hạn chế, mức giá trần là 60 USD/thùng. Trước đây, thế giới vẫn cần dầu của Nga với số lượng nhiều, chất lượng tốt, giá thành rẻ. Các nhà máy lọc dầu được thiết kế để sang, chiết, lọc dầu ngọt nhẹ của Nga là chủ yếu.

Do đó, dù áp dụng lệnh trừng phạt, đội tàu ma, hay còn gọi là “hạm đội bóng đêm”, vẫn hoạt động bằng cách cắm cờ nước khác nhưng chở dầu Nga đi bán. Nga cập mạn sang, tải và bán dầu cho tàu nước khác để phù phép thay đổi xuất xứ nguồn gốc dầu từ Nga nhưng vẫn thu được tiền. Tuy nhiên, hiện nay việc không đảm bảo an ninh cũng như không bán bảo hiểm cho đội tàu 183 chiếc khiến không thuyền trưởng nào dám mạo hiểm tiếp tục thực hiện thương vụ như trước đây.

Nga chỉ có thể giao dịch dầu mỏ bằng hình thức khác, với đồng tiền khác. Nhưng nếu Nga bán dầu cho Trung Quốc và thu về đồng Nhân dân tệ, thì chẳng khác nào “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Trung Quốc có chính sách tiền tệ bất lợi cho Nga, khiến Nga sẽ thiệt đơn, thiệt kép do đồng Nhân dân tệ chưa có tính thanh khoản toàn cầu. Nga chỉ có thể dùng tiền đó mua hàng hóa của Trung Quốc, làm Trung Quốc tự nhiên được mở lối ra nguồn cung hàng hóa đang hết sức dồi dào của mình. Nga xoay xở thanh toán bằng Bitcoin, nhưng Trung Quốc lại cấm Bitcoin. Vì vậy, vàng sẽ là phương tiện thay thế để thanh toán khi Nga bán dầu nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vàng để thanh toán chắc chắn không thể thuận lợi bằng tiền vì việc giao dịch, trao đổi, kiểm đếm phức tạp hơn tiền mặt rất nhiều lần. Chưa kể giá vàng liên tục biến động với biên độ cao hơn tỉ giá hối đoái giữa các đồng tiền, khiến Nga gặp khó khăn khi bán dầu.

Trên thế giới, Nga là nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới (trên 8%), chỉ sau Ả Rập Xê-út (16,5%). Tổng sản lượng như năm 2020 chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu. Biến động nguồn cung từ Nga ảnh hưởng tới giá dầu trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, dầu mỏ và khí đốt đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga. Năm 2023, dầu mỏ đóng góp 16% GDP của Nga, giữ vai trò quan trọng cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Trước khi có cuộc chiến Nga – Ukraine, khi Nga chưa bị áp dụng các lệnh trừng phạt, doanh thu từ dầu khí chiếm khoảng 35 – 40% tổng thu ngân sách của Nga.

Như vậy, khi bị áp dụng lệnh trừng phạt mới, Nga chỉ có thể xoay xở việc buôn bán dầu bằng vàng, khi Bitcoin cũng như đồng tiền của khối BRICS chưa đi vào hoạt động. Điều này dẫn tới khan hiếm và làm tăng giá vàng, đồng thời đẩy giá dầu tăng cao do thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Cước vận chuyển cũng tăng, góp phần đẩy giá dầu lên hơn nữa. Lạm phát và kinh tế suy yếu là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Đồng USD cũng bị ảnh hưởng bởi chính lệnh trừng phạt này, làm số tiền USD cần bỏ ra để mua 1 ounce vàng ngày càng nhiều hơn.

Mức giá 2.700 USD/ounce có nguy cơ bị phá vỡ. Theo nhà kinh tế trưởng Ming Ming của CITIC Securities, trong giả định trung lập, giá vàng tương lai tại Sàn COMEX có thể tăng lên 3.175 USD/ounce vào giữa năm 2025, với giá dự kiến dao động từ 3.000–3.250 USD/ounce trong cả năm.

Giá vàng Việt Nam hiện nay đã bám sát và lên xuống đồng hành cùng giá vàng thế giới. Mức chênh lệch phi lý giữa vàng miếng và vàng nhẫn, giữa vàng trong nước và vàng thế giới đã được xóa bỏ. Theo số liệu mới nhất, vàng SIC đã tăng 800.000 đồng/lượng khi mua vào, tăng 1,3 triệu đồng khi bán ra so với tuần trước.


Source link