Trong khi vàng nhẫn tăng mạnh, giá vàng miếng SJC có phần ổn định hơn do sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.
Chiều ngày 18/10, giá vàng thế giới vẫn neo ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại, ở mức 2.710 USD/ounce (tăng hơn 18 USD/ounce). Diễn biến của giá vàng thế giới cũng kéo giá vàng nhẫn trong nước tăng cả triệu đồng mỗi lượng và tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới trên 85 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn ở chiều mua và chiều bán lần lượt là 83,85 triệu đồng/lượng và 84,95 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn 750.000 đồng/lượng (mua) và 650.000 đồng/lượng (bán) so với chiều hôm qua.
Tập đoàn DOJI cũng nâng giá thêm 900.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với cùng thời điểm hôm qua, lên mức 84,55-85,55 triệu đồng/lượng.
PNJ niêm yết giá loại vàng này ở mức 84,5-85,54 triệu đồng/lượng, tăng 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,09 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cả hai chiều được tăng thêm 980.000 đồng/lượng, lên mức 84,52-85,52 triệu đồng/lượng.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, 85,55 được ghi nhận là mức giá cao nhất của vàng nhẫn. Vàng nhẫn liên tục tăng “phi mã” kể từ đầu năm với mức tăng hơn 35%.
Vàng nhẫn tăng hơn 35% kể từ đầu năm |
Trong khi vàng nhẫn tăng mạnh, giá vàng miếng SJC có phần ổn định hơn do sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, vàng miếng vẫn bất động trong vùng giá 84-86 triệu đồng/lượng (mua – bán), không thay đổi trong 2 ngày qua.
Xu hướng này khiến chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng được thu hẹp đáng kể. Thậm chí, ở một số thương hiệu, giá vàng nhẫn còn cao hơn vàng miếng.
Ở chiều mua, vàng nhẫn tại Công ty SJC chỉ còn thấp hơn vàng miếng khoảng 150.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, tại DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, giá mua vàng nhẫn cao hơn vàng miếng đến 550.000 đồng/lượng. Còn chiều bán, vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng khoảng 450.000 đồng/lượng – 1,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh đến từ nhiều nguyên nhân như: Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất, những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ sắp tới, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và xu hướng mua ròng vàng của các Ngân hàng Trung ương.
Theo các chuyên gia, không chỉ Fed mà nhiều Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới đã bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, với mức 25 điểm cơ bản. Đây là yếu tố thúc đẩy giá vàng bứt phá.