Chi tiết

Giá vàng tăng mạnh bất chấp loạt yếu tố bất lợi

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/8), dù gặp phải một loạt yếu tố bất lợi. Sự vững vàng này cho thấy đợt điều chỉnh gần đây của thị trường kim loại quý có thể đã đi tới hồi kết.

Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 44 USD/oz, tương đương tăng 1,85%, chốt ở mức 2.428,4 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong truần qua ít hơn dự báo. Trong tuần có 233.000 người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 17.000 so với tuần trước đó và thấp hơn so với con số 240.000 người mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi báo cáo trên được công bố, cho thấy nhà đầu tư giảm bớt đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nhanh chóng giảm sâu lãi suất để ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4%, bằng mức trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 đáng thất vọng vào hôm thứ Sáu tuần trước – điểm dữ liệu kích hoạt bán tháo trong hai phiên ngày thứ Sáu và thứ Hai.

Ngoài ra, số liệu việc làm trên cũng giúp đồng USD cũng duy trì xu thế phục hồi của phiên trước. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa với mức tăng khoảng 0,1%, đạt 103,2 điểm. So với đồng yên Nhật, USD tăng 0,3%, chốt phiên ở mức 147,13 yên đổi 1 USD.

Số liệu kinh tế khả quan đã đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Trong bối cảnh như vậy, một tài sản an toàn thường khó tăng giá. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tăng cũng gây áp lực mất giá lên vàng – một tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng bạc xanh.

Dù vậy, vàng vẫn có một phiên tăng giá mạnh, cho thấy diễn biến giá vàng phiên này chịu sự chi phối nhiều hơn của yếu tố kỹ thuật.

Theo trang Kitco News, phiên tăng giá này của vàng đã được báo hiệu trước vào hôm thứ Tư, khi giá vàng giao sau gần như không biến động, với mức giá đóng cửa chỉ thấp hơn 0,2 USD/oz so với giá mở cửa.

Diễn biến giá như vậy là biểu hiện của một mô hình biểu đồ nến được gọi là “doji” – xảy ra khi giá một hàng hóa hoặc cổ phiếu mở cửa và đóng cửa gần như nhau. Các nhà phân tích kỹ thuật cho rằng mô hình này là tín hiệu của khả năng đảo ngược hoặc tạm dừng của một xu hướng.

Vàng đã bị bán tháo vào đầu tuần này theo thị trường chứng khoán thế giới, nên sự xuất hiện của mô hình “doji” có thể là chỉ báo cho thấy giá vàng đang bước vào một giai đoạn hồi phục. Điều này càng đúng khi giá vàng tăng bất chấp USD tăng giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và số liệu kinh tế Mỹ khả quan.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.

Một số chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán thế giới ổn định trở lại cũng giúp giải tỏa áp lực bán vàng để bù lỗ cho danh mục cổ phiếu – nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc vào đầu tuần này.

Theo Giám đốc vận hành (COO) Alex Ebkarian của công ty Allegiance Gold, triển vọng tăng giá của vàng vẫn đang tốt dù mức độ biến động tăng lên. Ông cho rằng diễn biến giá vàng sắp tới sẽ tùy thuộc vào việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu. “Nếu Fed thực sự giảm lãi suất nửa điểm phần trăm một lần, giá vàng sẽ còn tăng mạnh”, ông nói.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất 3 lần trong thời gian còn lại của năm nay. Trong đó, khả năng giảm lãi suất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 là 55,5%.

Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 3,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương giảm 0,13%, giao dịch ở mức 2.425,2 USD/oz – theo Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 74 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Source link