Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (24/12), trong bối cảnh khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp trước kỳ nghỉ lễ và nhà đầu tư chờ đợi thêm những tín hiệu mới về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đây được dự báo sẽ là những yếu tố có thể quyết định đường đi của giá vàng trong năm tới, sau khi giá kim loại quý này đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trong 2024.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 5,4 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,21%, chốt ở mức 2.619 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 80,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Thị trường tài chính tại nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã đóng cửa sớm trong phiên ngày thứ Ba và ngừng giao dịch trong ngày thứ Tư để đón lễ Giáng sinh. Hoạt động giao dịch diễn ra thưa thớt do nhà đầu tư đang trong tâm trạng nghỉ lễ.
“Tình trạng di chuyển ngang của giá vàng có vẻ chủ yếu do môi trường thanh khoản thấp”, nhà phân tích Zain Vawda của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định với hãng tin Reuters.
Giá vàng đã tăng mạnh trong năm nay nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, lãi suất giảm trên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Giá kim loại quý này đã tăng 27% từ đầu năm và đang tiến tới hoàn tất năm tăng mạnh nhất kể từ 2010.
“Một đợt tăng tương tự của giá vàng có thể diễn ra trong năm 2025, nhưng điều này sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến địa chính trị. Nếu không xảy ra sự gián đoạn địa chính trị bất ngờ nào, kịch bản chính cho thấy giá vàng sẽ đạt khoảng 2.800 USD/oz, do những yếu tố rủi ro duy trì và mối lo về chiến tranh thương mại”, ông Vawda nói.
Giới phân tích đã dự báo chuỗi kỷ lục của giá vàng trong năm 2024 có thể dọn đường cho xu hướng tăng tương tự trong năm 2025, nhờ các yếu tố hỗ trợ tương tự trong năm nay – gồm các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, căng thẳng địa chính trị lên cao và việc các ngân hàng trung ương lớn như Fed tiếp tục giảm lãi suất.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng đã bắt đầu suy yếu từ đầu tháng 11, khi đồng USD tăng giá mạnh do kỳ vọng rằng các chính sách của ông Trump sẽ gây tăng lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Xu hướng tăng của đồng bạc xanh đã gây áp lực giảm giá lên vàng.
Phiên ngày thứ Ba, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,01%, chốt ở mức 108,12 điểm, cách không xa mức cao nhất 2 năm thiết lập vào tuần trước. Chỉ số này đã tăng 6,7% từ đầu năm đến nay và tăng gần 7,2% trong vòng 3 tháng trở lại đây – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Ông Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, và nhà đầu tư trên toàn cầu đang chờ đợi những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế Mỹ năm 2025. Vị Tổng thống đắc cử đến từ Đảng Cộng hòa chủ trương áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa nhập khẩu, nới lỏng các quy chế giảm sát và giảm thuế – tất cả đều có thể gây hiệu ứng tăng lạm phát.
“Nếu việc áp thuế quan diễn ra, Fed sẽ không có nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thị trường đã giảm bớt kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2025”, nhà phân tích Frank Watson của công ty Kinesis Money nhận định.
Kể từ khi khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới nay, Fed đã có 3 đợt giảm lãi suất. Nhưng trong cuộc họp vào tuần trước, ngân hàng trung ương này phát tín hiệu chỉ giảm lãi suất 2 lần trong cả năm 2025, thay vì giảm 4 lần như dự báo trước đó.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 91% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 1.
Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất Fed theo chiều hướng lãi suất giảm chậm hơn đang gây bất lợi cho giá vàng, vì vàng là tài sản không mang lãi suất.