Chi tiết

Giá vàng thế giới năm 2025 có thể tăng chậm lại

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng nếu tình hình thị trường giữ nguyên như hiện tại, giá vàng 2025 sẽ tăng chậm hơn năm nay.

Vàng ghi nhận năm tốt nhất trong hơn một thập kỷ. Từ đầu năm đến nay, kim loại quý 40 lần lập đỉnh, có thời điểm tiến sát 2.800 USD một ounce vào cuối tháng 10. Tổng nhu cầu vàng trong quý III lần đầu tiên chạm 100 tỷ USD. Dù bị bán tháo sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, kim loại quý vẫn tăng 30% năm nay.

Trong báo cáo triển vọng giá vàng 2025 công bố cuối tuần trước, WGC nhận định kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay. Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.

Lực mua của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn tăng vài năm qua, do biến động kinh tế – chính trị trên toàn cầu. Lo ngại về khối nợ công của các nước châu Âu, cùng với bất ổn tại Trung Đông, Đông Âu và nhiều nước khác vẫn kéo giá lên.

“Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro”, WGC cho biết.

Diễn biến giá vàng thế giới một năm qua. Đồ thị: Goldprice.org

Diễn biến giá vàng thế giới một năm qua. Đồ thị: Goldprice.org

Thị trường hiện dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản (1%) năm 2025. Mức giảm ở châu Âu cũng tương tự. Lãi suất thấp sẽ có lợi cho giá vàng. Đồng đôla cũng được kỳ vọng đi ngang hoặc giảm nhẹ khi lãi suất hạ xuống. Việc này sẽ kéo kim loại quý lên cao.

Ngược lại, nếu các ngân hàng trung ương dừng điều chỉnh lãi suất trong thời gian dài hoặc tăng trở lại, sức ép lên kim loại quý sẽ lớn. Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo tung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách này được dự báo gây ra lạm phát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc chuyện giảm lãi.

“Tất cả đang chờ nhiệm kỳ 2 của ông Trump, để xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao”, báo cáo của WGC viết.

Nhu cầu tại châu Á cũng rất quan trọng. Trung Quốc và Ấn Độ là các thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Nhu cầu tại hai nước này đã góp phần kéo giá vàng lên đỉnh năm nay.

Tuy nhiên, việc ông Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc gây sức ép lên nhà đầu tư nước này. Nhu cầu vàng tại đây còn phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế, vốn chưa khởi sắc nhiều sau loạt chính sách kích thích gần đây.

So với Trung Quốc, Ấn Độ có khả năng hỗ trợ giá vàng tốt hơn. Tăng trưởng kinh tế tại đây vẫn tốt. Họ cũng không xuất khẩu nhiều sang Mỹ nên ít chịu tác động từ thuế nhập khẩu.

Lực mua của các ngân hàng trung ương cũng được kỳ vọng vẫn là động lực chính đẩy giá vàng năm tới. Dù giảm về cuối năm 2024, nhu cầu vàng vẫn rất mạnh, được dự báo vượt 500 tấn trong năm sau. Về dài hạn, việc này tác động tích cực lên giá.

“Diễn biến của vàng sẽ phụ thuộc vào sự tương tác của 4 yếu tố chính, gồm tăng trưởng kinh tế, rủi ro, chi phí cơ hội và xu hướng khi đó”, báo cáo kết luận.

Hà Thu (theo WGC, WSJ)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/gia-vang-the-gioi-nam-2025-co-the-tang-cham-lai-4828347.html