Chi tiết

Giá vàng, tỷ giá cùng ‘leo thang’ trở lại ảnh hưởng ra sao đến chứng khoán?

Từ đầu tháng 10, tỷ giá bắt đầu tăng mạnh sau 2 tháng 8 và 9 hạ nhiệt. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm từ 24.081 đồng/USD vào đầu tháng 10 lên 24.228 đồng/USD tính đến 21/10. Vietcombank niêm yết tỷ giá USD mua bán ở mức 25.040 – 25.430 đồng/USD vào ngày 21/10, tăng đáng kể so với vùng 24.400 – 24.770 đồng/USD đầu tháng.

Vào ngày 18/10, NHNN đã phát hành lại tín phiếu sau gần 2 tháng tạm ngưng. Cụ thể, NHNN đã chào bán được 12.300 tỷ đồng tín phiếu, trong đó, có 5/6 thành viên tham gia trúng thầu 4.400 tỷ đồng tín phiếu 14 ngày lãi suất 3,74%/năm; 8/8 thành viên tham gia trúng thầu 7.900 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày lãi suất 4%/năm.

Ông Trần Hoàng Sơn. Nguồn: VPBankS

Tại chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng chủ đề giải mã, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh thời gian gần đây. Trước tiên là Fed có thể sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn so với kỳ vọng, điều này đã khiến chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) tăng liên tiếp lên mức 103 – cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây. Mặt khác, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy ổn định hơn rất nhiều đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.

Riêng đối với Việt Nam, tháng 10 hàng năm là thời điểm nhu cầu mua USD tăng cao để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ noen và năm mới của phương tây. Đồng thời, nhu cầu USD gần đây còn tăng để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.

Tỷ giá tăng đã có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) trong ngắn hạn, VN-Index tuần qua giao dịch không mấy thành công và phiên đầu tuần 21/10 cũng chìm trong sắc đỏ.

Ông Sơn chia sẻ, nhìn vào dữ liệu lịch sử, vào thời điểm NHNN hút ròng thì TTCK khó lên. Do vậy, việc NHNN hút ròng mới đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên kênh thị trường liên ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Dù vậy, chuyên gia VPBankS đánh giá tỷ giá tăng phần nhiều do yếu tố mùa vụ hơn, bởi xu hướng giảm lãi suất của Fed vẫn được duy trì trong thời gian tới. Theo đó, đồng USD có thể chững lại và giảm sau nhịp tăng này, qua tháng 10 nhu cầu USD hạ nhiệt giúp tỷ giá “êm” trở lại. Bên cạnh đó, NHNN hút bớt tiền cũng có tác dụng kiềm giữ cho tỷ giá tăng không quá mạnh.

Phải xây dựng kịch bản thị trường thận trọng hơn

TTCK thời gian gần đây rất phân hóa, dòng tiền lệch sang một vài nhóm ngành, trong đó có ngân hàng và chứng khoán. Dù dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng – nhóm cổ phiếu “vua” nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua vùng 1.300 điểm.

Ông Sơn cho rằng, đến thời điểm hiện nay, nhóm ngân hàng bắt đầu chững lại khiến thị trường chậm lại và nhà đầu tư phải xây dựng kịch bản thận trọng hơn. Bởi, thanh khoản thị trường đã đi xuống tháng thứ 3 liên tiếp. “Thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng khá khó khăn”.

Về mặt thông tin trên thị trường, thời gian này là cao điểm mùa công bố kết quả kinh doanh. Chuyên gia VPBankS kỳ vọng nhóm ngân hàng lớn sẽ ra kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng cổ phiếu ngân hàng trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu vua đã lên đến tiệm cận ngưỡng cản mạnh, nhà đầu tư cân nhắc chốt lời và chờ thị trường điều chỉnh để mua vào cho nhịp tăng mới.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp ra kết quả kinh doanh đột biến nhưng cổ phiếu chỉ tăng 2 – 3%, điều đó cho thấy nhà đầu tư tương đối thận trọng với thông tin về kết quả kinh doanh, hoặc cổ phiếu đã có đà tăng nóng trước đó và ra kết quả kinh doanh đột biến chỉ hợp lý hóa thôi.

Bên cạnh đó, quốc tế cũng đang có nhiều thông tin đáng theo dõi. Đầu tiên là câu chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo dữ liệu của Reuters, trong năm bầu cử thị trường nhiễu động tháng 1 và 3, sau đó biến động mạnh nhất trong 2 tuần diễn ra bầu cử. Ông Sơn chỉ ra trong giai đoạn ông Donald Trump bị thất cử, có những sự không chấp nhận, biểu tình hay thậm chí Nhà Trắng bị chiếm đóng, đây là giai đoạn chính trị có biến động bất ngờ.

Giới đầu tư phân tích, nếu ông Trump chiến thắng thì nhóm cổ phiếu năng lượng, quốc phòng, tài chính hưởng lợi. Song, cổ phiếu công nghệ tác động hỗn hợp do cuộc chiến thương mại tiếp tục tiếp diễn gắt gao ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất chip, nếu cổ phiếu công nghệ điều chỉnh ảnh hưởng đến S&P 500 và Nasdaq. Còn với ngành ôtô sẽ tích cực do ông Trump lên sẽ đẩy mạnh đầu tư trong nước.

Nếu bà Kamala Harris thắng cử, cổ phiếu năng lượng sạch là lĩnh vực được ưu tiên. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cổ phiếu dược bị gây áp lực nhưng nhóm chăm sóc sức khỏe có lợi. Nhóm công nghệ bị ảnh hưởng bởi quy định về trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, bà Harris muốn gia tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nên nhóm này sẽ hưởng lợi.

Câu chuyện tiếp theo là căng thẳng địa chính trị khiến giá vàng leo thang. Từ năm 2022, Nga bị loại khỏi hệ thống giao dịch Swift thì NHTW của khối BRICS đã gia tăng tích trữ vàng với tốc độ kỷ lục. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc cũng khiến Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ và quay qua mua vàng. Tiếp đó, căng thẳng địa chính trị Trung Đông hay mới đây là Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trở lại trạng thái thù địch.

Những điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cuộc chiến dường như không đơn lẻ nữa mà có liên minh giữa các nước cùng trục với nhau, làm vàng có sự tăng giá vượt kỷ lục.

Chuyên gia VPBankS đánh giá diễn biến giá vàng tăng giá vẫn chưa phản ánh vào thị trường cổ phiếu do có nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng tương lai chưa biết được. Song, một điều rõ nét là dòng vốn có dấu hiệu hút ròng mạnh khi có căng thẳng địa chính trị tại châu Á.



Nguồn