Chi tiết

Giá vàng “xanh” nhẹ sau bán tháo, chờ tin Fed và CPI Mỹ trong tuần này

 

Giá vàng thế giới hồi phục nhẹ khi khởi động phiên giao dịch sáng đầu tuần hôm nay (10/6), sau phiên bán tháo mạnh nhất hơn 2 năm vào hôm thứ Sáu vừa rồi. Giới phân tích cho rằng triển vọng tăng của giá vàng vẫn sáng trong dài hạn, nhưng giá kim loại quý này có thể tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn.

Tuần này, thị trường vàng thế giới sẽ bị chi phối bởi những sự kiện và thông tin quan trọng, gồm cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ.

Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,3 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại Mỹ, tương đương tăng 0,1%, giao dịch ở mức 2.296,2 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này của vàng thế giới tương đương khoảng 70,4 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 2,6 triệu đồng/lượng so với thời điểm sáng ngày thứ Sáu.

Giá vàng đã “bốc hơi” 3,5% trong phiên ngày thứ Sáu tại New York sau khi có tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tạm ngừng mua vàng sau 18 tháng mua ròng liên tục, cộng thêm số liệu việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố mạnh hơn dự báo. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá vàng thế giới kể từ tháng 4/2022. Cả tuần, giá vàng giảm khoảng 1%.

Ngoài tin về hoạt động mua vàng của Trung Quốc, giá vàng đã giằng co mạnh trong tuần vừa rồi do chịu sự chi phối của triển vọng lãi suất Fed. Các số liệu kinh tế Mỹ tốt có, xấu có đã khiến nhà đầu tư liên tục thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất, từ đó khiến giá vàng bị ảnh hưởng. Trong tuần, giá vàng đã có thời điểm đạt gần ngưỡng kháng cự quan trọng 2.400 USD/oz, nhưng rốt cục đã tuột khỏi ngưỡng tâm lý 2.300 USD/oz.

Tính đến tuần vừa rồi, vàng đã giảm giá 3 tuần liên tiếp, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông không còn nóng như trước, nhiều nhà đầu tư chốt lời vàng sau khi giá vàng lập kỷ lục trong tháng 5, và khả năng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vì áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ được nhận định là còn lớn. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã bắt đầu giảm lãi suất trong tuần vừa rồi, góp phần đưa đồng USD tăng giá, gây áp lực mất giá thêm lên vàng.

Không chỉ vàng mà các kim loại quý khác cũng bị bán mạnh trong tuần vừa rồi. Giá bạc giao tháng 7 trên sàn COMEX ở Mỹ giảm 6% trong phiên ngày thứ Sáu, còn 29,46 USD/oz. Cả tuần, giá bạc giảm 3%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.

TRUNG QUỐC CÓ DỪNG HẲN MUA VÀNG?

“Báo cáo việc làm Mỹ khả quan đã giáng một đòn mạnh vào sự hưng phấn đối với vàng. Báo cáo này dập tắt những tia hy vọng rằng Fed sẽ sớm giảm lãi suất. Fed vẫn cần phải giữ lãi suất cao để làm dịu tốc độ tăng trưởng của tiền lương và số lượng công việc mới được tạo ra trong nền kinh tế’, trưởng chiến lược hàng hoá cơ bản Ole Hansen của Saxo Bank nhận định với hãng tin Bloomberg. Tuy nhiên, ông Hansen cho rằng Trung Quốc chỉ tạm dừng chứ không dừng hẳn việc mua vàng, và việc PBOC tạm dừng mua ròng vàng trong tháng 5 vừa qua chẳng qua do giá vàng cao kỷ lục.

Trung Quốc đã mua ròng vàng suốt từ tháng 11/2022, đến tháng 5 vừa qua tạm dừng, giữ khối lượng vàng dự trữ ở mức 72,8 triệu oz – theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu. Việc Trung Quốc mua vàng nằm trong xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đa dạng hoá dự trữ ngoại hối trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu nhiều bất ổn. Ngoài ra, hoạt động mua vàng của PBOC còn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc dưới sức ép của cuộc khủng hoảng địa chính trị kéo dài.

Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu vàng của Trung Quốc yếu đi khi giá vàng tăng cao. Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy PBOC mua ròng 60.000 oz vàng trong tháng 4, giảm từ 160.000 oz trong tháng 3 và 390.000 oz trong tháng 2. Ngoài ra, tổng lượng vàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 30% so với tháng 3.

PBOC chính là ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều nhất trong năm 2023, với lượng mua ròng 7,23 triệu oz. Bởi vậy, việc Trung Quốc giảm và tạm dừng mua ròng vàng cho dự trữ quốc gia đặt giá vàng trước rủi ro giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trao đổi với Bloomberg, chuyên gia Nicholas Frappell của công ty ABC Refinery ở Sydney nhận định phản ứng của giá vàng sau tin Trung Quốc “có vẻ như mang tính chất kỹ thuật”. “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu việc Trung Quốc tạm dừng mua ròng vàng mở ra một xu hướng chung đối với nhu cầu vàng của khu vực chính thức”, ông Frappell nói.

Nhiều nhà phân tích khác cũng cho rằng việc Trung Quốc dừng mua vàng chỉ là vấn đề tạm thời.

Trao đổi với trang Kitco News, bà Michelle Schneider, Giám đốc nghiên cứu của công ty MarketGauge, nhận định các yếu tố căn bản của thị trường kim loại quý là không hề thay đổi. “Bất ổn địa chính trị vẫn còn, lạm phát vẫn còn, nợ chính phủ toàn cầu đang tăng vượt tầm kiểm soát. Những yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng và giá bạc”, bà Schneider nói.

GIÁ VÀNG CÓ THỂ GIẢM VỀ 2.200 USD/OZ TRONG NGẮN HẠN

Về tình hình thị trường việc làm Mỹ, chuyên gia Christopher Vecchio của trang Tastylive.com nói các số liệu bên trong bản báo cáo không mạnh như mọi người nghĩ. Ông chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa số liệu của Chính phủ với số liệu qua khảo sát các hộ gia đình. Số liệu của Chính phủ cho thấy số lượng việc làm mới ở mức cao, nhưng cuộc khảo sát hộ gia đình lại cho thấy có 408.000 công việc bị mất đi.

“Những số liệu này cho thấy thị trường việc làm bắt đầu chậm lại”, ông Vecchio nói, và cho biết ông giữ nguyên mục tiêu giá vàng cuối năm nay là 2.575 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz -  Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz –  Nguồn: Trading Economics.

Nhưng dù các yếu tố nền tảng của giá vàng còn mạnh, giới phân tích không cho rằng nhà đầu tư sẽ ồ ạt nhảy vào thị trường vàng để bắt đáy. Theo bà Schneider, giá vàng có thể giảm thêm 10% trong một cuộc điều chỉnh bình thường, đẩy ngưỡng hỗ trợ về vùng 2.200 USD/oz.

Nhà phân tích cấp cao Alex Kuptsikevich của công ty FxPro cũng theo dõi mốc 2.200 USD/oz. “Chúng ta có thể đang chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc chốt lời lớn sau khi giá vàng leo từ đáy vào tháng 10 lên đỉnh vào tháng 5. Diễn biến hiện nay cho thấy sự sụt giảm của giá vàng có thể sẽ không sớm chấm dứt. Nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần đón nhận giá vàng giảm về vùng 2.200 USD/oz trong vài tuần tới”, ông nói.

Theo Giám đốc phân tích Lukman Otunuga của công ty FXTM, các nhà đầu cơ giá xuống đang chiếm ưu thế trên thị trường vàng và “áp lực giảm sẽ duy trì trừ phi thị trường tìm thấy hy vọng mới về việc Fed sớm giảm lãi suất”.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư là cuộc họp của Fed vào ngày thứ Ba và thứ Tư, và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.

Một báo cáo CPI yếu hơn dự báo sẽ làm “sống lại” khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 và mở ra cơ hội phục hồi cho giá vàng. Ngược lại, dữ liệu CPI nóng có thể bồi thêm áp lực mất giá đối với vàng.

Fed được cho là sẽ không thay đổi lãi suất trong lần hợp này, nhưng thị trường chờ xem Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói gì và dành sự quan tâm lớn đối với dự cáo kinh tế cập nhật hàng quý của Fed, bao gồm dự báo lãi suất “dot-plot”.

Source link