Labubu, được thiết kế bởi Kasing Lung người Hồng Kông và sản xuất bởi Pop Mart, nhà bán lẻ đồ chơi hợp thời trang hàng đầu Trung Quốc, đã trở thành xu hướng “nóng” nhất trên khắp thế giới với thiết kế độc đáo và bắt mắt.
Pop Mart, doanh nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong ngành đồ chơi hợp thời trang theo báo cáo của Guosen Securities công bố vào cuối tháng trước, đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh số hai chữ số tại Trung Quốc và tăng trưởng ba chữ số trên thị trường quốc tế trong năm qua.
Labubu và các đồ sưu tầm bí ẩn khác, thường được cất trong bao bì kín được gọi là “hộp mù”, đang giúp định hình lại nhận thức toàn cầu về các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Thay vì bị coi là những mặt hàng sản xuất hàng loạt giá rẻ, các món đồ chơi của Popmart đang được công nhận trên toàn cầu nhờ thiết kế độc đáo, sức mạnh thương hiệu và khả năng khai thác các xu hướng tiêu dùng mới nổi.
Trong khi nhu cầu về Labubu, món đồ chơi chủ lực trong bộ sưu tập của Pop Mart, đã vượt xa nguồn cung ở Trung Quốc, thì nó cũng đã trở thành một hiện tượng ở các khu vực khác của Châu Á.
Cùng với tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong khu vực, các món đồ của Pop Mart đã làm bùng nổ sự phổ biến của đồ chơi này ở Thái Lan và nhanh chóng lan sang Việt Nam, Singapore và nhiều quốc gia khác.
Bản cập nhật kinh doanh quý III của Pop Mart cho thấy tổng doanh thu của công ty tăng từ 120 đến 125% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ở Trung Quốc đại lục tăng từ 55 đến 60%, trong khi doanh thu từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và các thị trường quốc tế tăng từ 440 đến 445%.
Đồ chơi của Pop Mart thường được đóng gói trong hộp mù để khơi dậy sự tò mò và phấn khích ở người tiêu dùng, nhưng giá các loại đồ chơi này không hề rẻ. Một bộ sáu hình Labubu nhỏ, mỗi hình có một tư thế và trang phục khác nhau, có giá khoảng 600 nhân dân tệ (82 đô la Mỹ).
Ngoài Labubu, các sản phẩm Pop Mart phổ biến khác bao gồm Molly, một cô bé có mái tóc xoăn vàng và đôi mắt to, và Skullpanda, một bộ xương gấu trúc.
Báo cáo của Guosen Securities cho biết ngành công nghiệp đồ chơi thời thượng của Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, mở rộng từ quy mô thị trường 6,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2015 lên 60 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vượt quá 30%. Pop Mart nắm giữ 8,5% thị phần, đứng đầu trong ngành.
Hiện Pop Mart đã mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài kể từ năm 2021 và hiện có cửa hàng tại hơn 20 quốc gia và khu vực. Doanh thu quốc tế của công ty đã chứng kiến sự tăng trưởng phi thường, với doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm gần 30% tổng doanh thu của công ty trong nửa đầu năm nay.
Thành công của công ty cũng làm nổi bật xu hướng các công ty Trung Quốc ngày càng dựa vào sức mạnh thương hiệu để mở rộng toàn cầu.
Chủ tịch Tập đoàn Hisense Jia Shaoqian đã phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh trong tháng này rằng thành công của công ty ông trên thị trường quốc tế phần lớn là nhờ vào tiếp thị thể thao, hoạt động đã giúp nâng cao vị thế toàn cầu và xây dựng thương hiệu của công ty.
Mức độ nhận diện thương hiệu toàn cầu của Hisense đã tăng từ 28% vào năm 2017 lên 54% vào năm ngoái thông qua việc tài trợ cho các sự kiện toàn cầu hàng đầu và sở hữu trí tuệ liên quan đến thể thao khu vực. “Chúng tôi tin rằng thương hiệu là tương lai của một doanh nghiệp. Nếu không có thương hiệu, Hisense sẽ không thể quốc tế hóa”, ông Jia cho biết.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: “Pop Mart có thể là thương hiệu tiêu dùng nội địa đầu tiên của Trung Quốc đạt được thành công đáng kể trên toàn cầu bằng cách thu hút người tiêu dùng thông qua sở hữu trí tuệ, thiết kế và sản phẩm, thay vì giá cả”.
Mặc dù vậy, thành tích tương đối ngắn của Pop Mart khiến các nhà đầu tư khó có thể tìm thấy niềm tin dài hạn vào câu chuyện tăng trưởng của công ty. Theo bà Shuyan Feng, Phó tổng giám đốc quản lý đầu tư tại Huatai Asset Management cho biết thêm rằng các doanh nghiệp sở hữu trí tuệ có bản chất theo chu kỳ và các nhân vật đồ chơi của Pop Mart chưa có sự hiện diện lâu dài trên thị trường.
Bà Shuyan Feng cho biết: “Cạnh tranh cũng có thể trở nên khốc liệt ở Trung Quốc, nơi mà một khi có cơ hội kiếm tiền, mọi người sẽ đổ xô vào”.
Đồng quan điểm, Chris Gao, một nhà phân tích nghiên cứu người tiêu dùng tại CLSA ở Hồng Kông, cho biết: “Pop Mart vẫn là một công ty rất trẻ và cần thêm thời gian để biết liệu họ có thể tiếp tục duy trì sự tăng trưởng và làm mới các tài sản trí tuệ (IP) của mình hay không. Khi trở thành ký ức của một thế hệ, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra nhu cầu bền vững hơn”.
Tuy nhiên, hiện tại, người tiêu dùng vẫn bị cuốn hút – đặc biệt là ở trong khu vực. Tính đến tháng 6, công ty đã có 39 triệu khách hàng thành viên đã đăng ký tại Trung Quốc đại lục, với tỷ lệ mua hàng lặp lại là 43,9%.
Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 70% tổng doanh số trong nửa đầu năm 2024. Trên TikTok, hashtag #popmart đã được sử dụng trong hơn 667.000 bài đăng và 1,8 triệu người dùng theo dõi tài khoản chính thức của công ty.