Chốt phiên giao dịch 13/12, cổ phiếu VCA của CTCP Thép Vicasa-VNSteel bất ngờ bị bán tháo giảm hết biên độ xuống mức 16.400 đồng. Đây là phiên giảm điểm mạnh đầu tiên của VCA sau chuỗi tăng điểm liên tục.
Trước đó, VCA gây chú ý khi tăng hết biên độ trong 11 phiên liên tiếp. Thông tin hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu VCA là việc Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) vào cuối tháng 11/2024 cho biết sẽ thoái 9,87 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn của VCA. Thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ tháng 11 và hoàn tất thoái vốn trong năm nay tới quý I/2025.
Qua nghiên cứu tình hình hoạt động của doanh nghiệp, lãnh đạo VNSteel sẽ thực hiện phương án chuyển nhượng cổ phiếu VCA theo phương thức giao dịch ngoài HoSE, tức là chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua bán đấu giá công khai theo lô cổ phần. Giá khởi điểm chào bán là 238,48 tỷ đồng một lô cổ phần, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 24.158 đồng/cổ phần, tức cao hơn 47,3% so với giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
VCA tiền thân là Xí nghiệp – Việt Nam Cán sắt Công ty, được thành lập từ tháng 5/1967 với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Đến tháng 6/2016, công ty đổi tên thành CTCP Thép Vicasa – VNSteel như hiện tại. Tính đến cuối quý III/2024, quy mô vốn điều lệ của VCA đạt gần 152 tỷ đồng với 2 cổ đông lớn là VNSteel (65%) và CTCP Thép Đà Nẵng (7,1%).
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nắm đến 65% vốn Thép Đà Nẵng (tại thời điểm cuối năm 2021) là Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường (An Hưng Tường) – pháp nhân quan trọng trong hệ sinh thái VAS Group của doanh nhân Nguyễn Bảo Giang (SN 1976). Ông Giang hiện cũng là Thành viên HĐQT độc lập tại chính VCA.
Tiềm lực của VAS Group
Được thành lập vào năm 1998, An Hưng Tường được đánh giá đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của VAS Group và là mảnh ghép đầu tiên trong hệ sinh thái hoàn chỉnh của tập đoàn.
Sau 26 năm hình thành và phát triển, từ một nhà máy chỉ cung ứng được thép hình với công suất nhỏ, An Hưng Tường hiện đã sở hữu một nhà máy luyện phôi và cán thép, có trụ sở tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Mỗi năm, nhà máy cung ứng hàng trăm nghìn tấn phôi, thép thành phẩm với tổng công suất đạt 500.000 tấn phôi/năm và 250.000 tấn thép cán/năm.
Tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của VAS An Hưng Tường đạt 700 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Bảo Giang nắm 88,73% vốn. Phần vốn còn lại thuộc về ông Nguyễn Bảo Khánh – em trai ông Giang (4,13%), và CTCP Gang Thép Nghi Sơn (7,14%) – nay đổi tên thành CTCP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, một pháp nhân khác cùng nhóm VAS Group.
Về phía VAS Nghi Sơn, tính đến tháng 7/2019, cơ cấu cổ đông công ty gồm ông Giang (57%), bà Huỳnh Thị Quỳnh Như – phu nhân của ông Nguyễn Bảo Giang (5,37%), An Hưng Tường (4%) và CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nghi Sơn (31,57%). Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn điều lệ công ty đạt 7.000 tỷ đồng.
VAS Nghi Sơn là chủ đầu tư nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 1 (Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có công suất 1,65 triệu tấn phôi thép/năm, đã đi vào hoạt động từ năm 2019. Còn nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng được VAS Nghi Sơn khởi công xây dựng từ đầu tháng 1/2022. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, VAS Nghi Sơn còn nắm 100% vốn Công ty TNHH Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn (thành lập năm 2017) – chủ đầu tư Cảng quốc tế Nghi Sơn. VAS Group cho biết Cảng quốc tế Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp tải trọng đến 70.000 DWT (đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn) giảm tải và chở hàng container tải trọng đến 30.000 DWT, tàu chở hàng lỏng đến 70.000 DWT.
Bên cạnh đó, nhóm VAS Group còn có 2 thành viên khác là Công ty TNHH MTV Thép VAS Việt Mỹ (VAS Việt Mỹ) và CTCP Thép VAS Tuệ Minh (VAS Tuệ Minh).
Dữ liệu cho thấy VAS Việt Mỹ được thành lập vào tháng 12/2008, đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Công ty này sở hữu một hệ thống các nhà máy luyện phôi và cán thép với tổng công suất mỗi năm khoảng 1 triệu tấn phôi và 1 triệu tấn thép xây dựng.
Về phần VAS Tuệ Minh, công ty thành lập vào tháng 6/2010, sở hữu nhà máy có tổng diện tích 10,6 ha tọa lạc tại Khu công nghiệp KSB, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với dây chuyền luyện thép và thép cán có công suất đạt 500.000 tấn/năm.
Không chỉ thép, cảng biển, doanh nhân Nguyễn Bảo Giang còn có mối quan tâm với lĩnh vực địa ốc. Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy ông Giang là Chủ tịch Công ty TNHH Bất động sản VAS. Một pháp nhân mới thành lập vào năm 2022, vốn điều lệ đăng ký 300 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực địa ốc.
Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Bất động sản VAS là ông Nguyễn Khắc Sơn (SN 1970), người từng là lãnh đạo cấp cao ở nhiều công ty như CTCP Phát triển nhà Thủ Đức, Tổng CTCP Phong Phú, CTCP Chứng khoán Sen Vàng.