Chi tiết

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, khó hoàn thành kế hoạch 2024

Chưa đạt kỳ vọng…

Thông tin tại Tọa đàm “Giải ngân vốn đầu tư công” do Thời báo Tài chính tổ chức chiều 28/10, ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh, năm 2024, Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao.

Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết của phiên họp.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, phát huy vai trò 7 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ, đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính (ảnh: Đức Minh)

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 của cả nước mới đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.

Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công thì có những địa phương, bộ, ngành đã triển khai giải ngân tốt. Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ NN&PTNT (65,3%), Bộ GTVT (60%), Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…

Vì sao có nơi làm tốt, nơi chưa làm tốt?

Những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề không mới, song vấn đề được đặt ra tại sao cùng một cơ chế chính sách, cùng các khó khăn, vướng mắc như nhau, nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt; có bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa tốt?

Chia sẻ ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đốn nay, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.

Trong khi đó, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập đến Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 và dự án Sân bay Long Thành được giải ngân một cách “thần kỳ”.

“Hai dự án “khủng” tưởng chừng như giải ngân sẽ rất khó nhưng với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt đã hoàn thành giai đoạn đầu rất tốt. Từ kinh nghiệm hay của 2 dự án này chúng ta sẽ tìm ra bài học cho các dự án khác..”- Chuyên gia gợi ý.

Toàn cảnh Tọa đàm (ảnh: Thanh Thanh)

Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính ông Dương Bá Đức từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. “Đây là áp lực rất nặng nề cho giai đoạn nước rút này bởi nếu không đạt được mục tiêu này sẽ đẩy áp lực sang năm sau là rất lớn vì năm 2025 vốn đầu tư công đã tăng thêm 90 nghìn tỷ đồng”- Ông Đức phân tích.

Đồng thời lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Vụ Đầu tư cũng cho biết, nhằm hướng tới giải quyết triệt để các vướng mắc cố hữu lâu nay trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10 như: Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật dựa trên nguyên tắc đó là: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc.

“Việc sửa đổi này được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công suốt nhiều năm qua”- ông Đức cho biết.

Dư án Đường dây 500 kV mạch 3 được giải ngân nhánh một cách thần kỳ (ảnh:TTXVN)

Đang rà soát tháo gỡ khó khăn cho các dự án “đắp chiếu”
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch 2025 sáng 26/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư thấp không có gì mới, vẫn là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy, cộng thêm thiên tai bão lũ và mưa kéo dài ảnh hưởng thi công.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt thấp nhất 95% kế hoạch.
Liên quan tới giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài, Bộ trưởng cho hay, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Ngoài Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Phó Trưởng Ban thì các thành viên của Ban chỉ đạo còn gồm rất nhiều trưởng ngành khác, bao gồm cả Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…
Ban chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, đang :đắp chiếu” cả chục năm nay, trên cơ sở đó sẽ phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của nhà nước để tìm ra cách xử lý. Đảm bảo nguyên tắc không hợp pháp hóa cái sai mà phân rõ trách nhiệm và tìm ra cách giải quyết từng nhóm vấn đề…”- Bộ trưởng cho hay, đồng thời khẳng định,, nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế.
“Hiện chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp”, Bộ trưởng khẳng định.



Nguồn