Bộ Tài chính vừa gửi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 5, ước thực hiện tháng 6 kế hoạch năm 2024.
VẪN CÒN NHIỀU BỘ, NGÀNH GIẢI NGÂN 0%
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, ước giải ngân vốn trong nước là 194.270,6 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch và 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 2.399,1 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nếu không tính 11.916 tỷ đồng kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 258/QĐ-TTg và Quyết định số 490/QĐ-TTg thì ước tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 28% kế hoạch, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cũng theo Bộ Tài chính, có nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
“Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội… Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn”.
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm có 12/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các địa phương như: Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Long An, Đồng Tháp, Hà Tĩnh.
Vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 78,23% kế hoạch; đặc biệt vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Tuy nhiên, có 32/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên.
Các số liệu cũng cho thấy, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đạt cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Đến hết ngày 31/5/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 21.920,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,1% kế hoạch năm 2024 được giao (94.724,73 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 20.328,84 tỷ đồng, đạt 27,9%; vốn ngân sách địa phương là 1.563,72 tỷ đồng, đạt 12,1%.
VƯỚNG MẮC VỀ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, VẬT LIỆU KÉO DÀI
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tình hình giải ngân hằng tháng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Nổi bật là vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về nguyên vật liệu xây dựng… đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng theo cơ quan này, việc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân như: một lượng tương đối lớn vốn ngân sách trung ương (11.916 tỷ đồng, chiếm 5,02% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương) mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 và Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 nên khó có thể giải ngân kịp thời nguồn vốn trên trong 6 tháng đầu năm.
Tỷ lệ giải ngân cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp. Bộ Tài chính có công văn số 6503/BTC-ĐT ngày 24/6/2024 về việc công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2023. Trong đó, còn một số dự án chưa giải ngân và nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.
Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương trong thời gian qua có hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban Chỉ đạo tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giao bổ sung vốn ngân sách trung ương từ nguồn tăng thu năm năm 2022 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính đề nghị khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới.