Mới đây, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) phối hợp tổ chức tọa đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Tọa đàm nhằm tạo ra một diễn đàn mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.
Ông Ambrosio Barros, Giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam, nhấn mạnh, tài chính vi mô không chỉ giúp người dân vượt qua khó khăn kinh tế mà còn tạo nền tảng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển.
Theo ông Barros, các dự án tài chính vi mô tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể đời sống của các hộ gia đình nghèo. Đơn cử, tại Trà Vinh, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28% năm 2018 xuống còn 1,72% năm 2023, nhờ sự hỗ trợ của các quỹ tài chính phát triển phụ nữ. Tại Gia Lai, con số tương tự giảm từ 41% xuống 10,1%.
PGS.TS Lê Văn Luyện – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá, tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân, đặc biệt là những hộ gia đình yếu thế, phát triển kinh tế bền vững. Giáo dục và hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng của địa phương, tạo công ăn việc làm, giữ gìn môi trường và giảm di cư tự phát. Các chương trình tài chính vi mô còn giúp kết nối các sản phẩm từ các địa phương ra thị trường rộng lớn hơn, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, trong đó có rào cản pháp lý.
Giải quyết khoảng trống pháp lý cho kinh tế vi mô
Luật sư Vũ Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ VietED – Chương trình Tài chính vi mô VietED cho biết, về tài chính vi mô, mọi vướng mắc đều xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý để tạo ra một “sân chơi” chung cho các tổ chức, dự án, chương trình.
Theo Luật sư Bình, về pháp lý, cần nhất thể hóa, về tài chính vi mô, sau đó là xây dựng hành lang pháp lý cho những đối tượng tham gia. Một rào cản lớn đối với tài chính vi mô là sự phân tán về pháp lý, khi các mô hình khác nhau phải tuân theo những quy định pháp luật khác nhau, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong quản lý và phát triển.
“Hiện nay, các tổ chức TCVM phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý khác nhau, gây khó khăn trong việc quản lý và mở rộng. Việc chưa có một hành lang pháp lý thống nhất làm giảm hiệu quả hoạt động và gây lúng túng cho các tổ chức trong quá trình vận hành”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Luật sư Bình đề nghị cần xây dựng hành lang pháp lý thống nhất, tăng cường Chính sách ưu đãi của Chính phủ, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, đồng thời thiết lập Quỹ tài chính vi mô để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
Trong khi đó GS.TS Đào Văn Hùng, Nguyên viện trưởng việc chiếc lược và chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng các quy định như Thông tư 20, Thông tư 38, hoạt động tài chính vi mô sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồng thời ông Hùng đã đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của tài chính vi mô nhưT, tăng cường hoạt động của các cơ quan điều phối tài chính vi mô chung, xây dựng chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, tăng cường sự tham gia của các tổ chức có ảnh hưởng đến chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.