Chi tiết

Giao dịch OMO sôi động, lãi suất liên ngân hàng quay đầu tăng

Giao dịch OMO sôi động, lãi suất liên ngân hàng quay đầu tăng

Tuần qua (21-28/10/2024), giao dịch thị trường mở (OMO) sôi động trở lại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng kết hợp cả kênh mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu để điều tiết thanh khoản trong hệ thống.


Diễn biến bơm hút ròng nghiệp vụ OMO theo ngày từ tháng 8-10/2024. Đvt: Tỷ đồng


Cụ thể, trong thời gian từ 21-28/10, nhà điều hành phát hành tín phiếu với quy mô giảm dần, tổng khối lượng phát hành đạt 55.45 ngàn tỷ đồng ở 2 kỳ hạn 14 ngày (14 ngàn tỷ đồng) và 28 ngày (41.45 ngàn tỷ đồng). Lãi suất trúng thầu lần lượt là 3.7%/năm và 4%/năm, thấp hơn 48 điểm cơ bản và 27 điểm cơ bản so với lãi suất cùng kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng (cập nhật mới nhất vào ngày 25/10 là lãi suất 2 tuần: 4.18%/năm và 1 tháng 4.27%/năm).

Ở chiều ngược lại, một vài ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia kênh mua kỳ hạn trong thời gian từ 22-28/10 với tổng khối lượng 23.02 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4% nhằm chuẩn bị thanh khoản cho các giao dịch cuối tháng.

Như vậy, NHNN đã hút ròng 32.44 ngàn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Trong đó, có 23,015 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 67,750 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.


Diễn biến lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn từ tháng 8-10/2024. Đvt: %/năm


Nguồn: VietstockFinance

Sau động thái hút ròng từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh lên mức 3.91%/năm (phiên 25/10), tăng 125 điểm cơ bản so với phiên 18/10. Qua đó thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD xuống chỉ còn 80 điểm cơ bản.


Diễn biến chỉ số DXY từ đầu năm 2024 đến ngày 29/10


Nguồn: marketwatch

Theo SSI Research, tâm điểm tuần trước xoay quanh về khả năng cựu Tổng thống Mỹ D.Trump thắng cử ngày càng cao, kết hợp với căng thẳng chính trị ở Trung Đông khiến chỉ số DXY tiếp tục tăng 0.6% trong tuần trước và các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như JPY (-1.64%), EUR (-0.46%). Tương tự, các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng giảm giá so với USD như THB (-1.99%), KRW (-1.48%), SGD (-0.8%).

Ở thị trường trong nước, tương đồng với diễn biến thế giới, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng mạnh 0.93% trong tuần trước, tương đương mức tăng 3.4% so với cuối tháng 9 và 4.7% so với cuối năm 2023. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM đã giao dịch quanh mức trần theo quy định, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do cũng bật nhanh về lại gần mức đỉnh trong những ngày cuối tuần.

Trước áp lực tỷ giá, NHNN phát ra thông điệp sẽ thực hiện phương án can thiệp bán ngoại tệ nếu cần thiết, có hiệu lực từ ngày 25/10 và tỷ giá can thiệp ở mức 25,450 (tương đương tỷ giá can thiệp trong thời điểm quý 2/2024). Các NHTM có thể thực hiện giao dịch mua USD từ NHNN với điều kiện trạng thái ngoại tệ ở mức âm.

Sau động thái trên, tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt (hiện đang giao dịch ở vùng 25,350 đồng – giảm 0.1% so với phiên giao dịch ngày 18/10). Đồng thời, sáng 25/10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng ra thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ các NHTM, với khối lượng tối đa 240 triệu USD và đây có thể là đợt chào mua cuối cùng của KBNN nhằm đáp ứng nhu cầu trả gốc trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào tháng 11 tới.

Chuyên gia SSI cho biết quan điểm về áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có, do thị trường ngoại hối quy mô còn chưa đủ lớn, trong khi áp lực từ bên ngoài vẫn còn khá cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng tình hình sẽ ổn định dần vào cuối năm, khi các yếu tố khó lường như bầu cử tại Mỹ, định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ánh đầy đủ vào biến động của DXY.

Khang Di

FILI



Source link