Theo đó, 7 tháng năm 2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 961.366 tỷ đồng, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 136.030 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 825.336 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm 202.348 tỷ đồng, tăng 7,45% (yoy); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm 648.083 tỷ đồng, tăng 14,08% (yoy).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 126.675 tỷ đồng, giảm 2,21% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ 44.878 tỷ đồng, tăng 11,79%, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ 81.797 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ 2023.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm 49.142 tỷ đồng, tăng 25,06% (yoy). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bồi thường 13.015 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bồi thường 36.127 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 800.499 tỷ đồng tăng 9,78% so với cùng kỳ 2024.
Theo World Bank, những cải cách hợp lý, nếu được triển khai thận trọng, sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn dài hạn bổ sung to lớn cho khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam. Giả sử tái phân bổ một phần năm vốn đầu tư của các công ty bảo hiểm nhân thọ sang chứng khoán doanh nghiệp, là có thể huy động được thêm 15 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp vào năm 2030.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao. Theo tính toán của World Bank (WB), để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần đạt tăng trưởng GDP theo giá so sánh ở mức khoảng 6,5% mỗi năm trong 20 năm tới. Đồng thời, phải nâng cao tổng đầu tư hiện đang ở mức 32% GDP (khoảng 131 tỷ đô la Mỹ).
World Bank cho rằng để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và chuyển đổi khí hậu với các nguồn lực bổ sung ước tính chiếm 7% GDP chỉ riêng cho các dự án cơ sở hạ tầng. Xét GDP năm 2023 của Việt Nam, con số này tương đương 30 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Đầu tư công sẽ chỉ đáp ứng một phần của nhu cầu vốn (một phần ba cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu), và phần còn lại phải do khu vực tư nhân đáp ứng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng vật chất, nguồn tài chính dài hạn huy động thông qua thị trường vốn cũng rất cần thiết cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải các-bon trong nền kinh tế, cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật số.
Theo giới phân tích, các công ty bảo hiểm có thể có tác động lớn tới thị trường vốn, nhất là các công ty bảo hiểm nhân thọ cần phải đầu tư vào những công cụ dài hạn để đối ứng với các nghĩa vụ dài hạn.
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đến tháng 12/2023, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã nắm giữ tổng tài sản lên đến 786 ngàn tỷ đồng (31 tỷ đô la Mỹ), với tốc độ tăng trưởng bình quân cao ở mức 20% trong năm năm qua. Với giá trị tương đương 8% GDP, đây là nhóm các nhà đầu tư tổ chức trong nước lớn thứ hai ở Việt Nam.
Tuy có tiềm năng giúp thúc đẩy phát triển các thị trường vốn, tuy nhiên, đầu tư của các công ty bảo hiểm nhân thọ lại vẫn tập trung nhiều vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng.
Tỷ lệ nắm giữ chứng khoán doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện rất nhỏ.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm nhận diện nút thắt và đưa ra các giải pháp tháo gỡ để các công ty bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư; khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội.