(ĐTCK) Chiến thắng của ông Trump đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ tại một số nhóm ngành đặc biệt, trong đó có nhóm xuất khẩu. Các chuyên gia sẽ đánh giá về cơ hội đối với nhóm ngành này và chiến lược đầu tư phù hợp cho thị trường nói chung trong thời gian tới.
VN-Index khép lại một tuần giảm điểm, nhưng tín hiệu xác nhận khóa đáy ngắn hạn vẫn chưa được xác nhận. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp và tương đương so với tuần trước đó. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
TTCK đã xác nhận đáy ngắn hạn tại mốc 1.240 – 1.250 điểm – thanh khoản thấp, tâm lý nhà đầu tư dao động – tại những giai đoạn “trầm lắng” thì thị trường sẽ hình thành đáy điều chỉnh và phục hồi trở lại – VN-Index có khả năng dao động hướng lên trở lại tối thiểu quanh khu vực 1.260 – 1.270 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Thị trường trong tuần qua đã có nhiều cơ hội bứt phá thoát khỏi vị thế hiện tại nhưng động lực dòng tiền vẫn còn yếu và thiếu sự đồng thuận giữa các ngành. Tuy nhiên có thể thấy, dù thị trường suy giảm nhưng mức độ nén không lớn và vẫn có những dòng cổ phiếu thu hút lôi kéo dòng tiền. Vì vậy trạng thái thị trường đang chuyển sang giai đoạn tích luỹ và chờ tín hiệu khởi động.
Tôi cho rằng, từ khoảng trung tuần cho đến tuần cuối tháng dòng tiền sẽ chuyển biến tích cực hơn và chỉ số Vnindex cũng sẽ khởi sắc hơn so với giai đoạn hiện tại.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường trong tuần tới có thể phục hồi và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể tiếp tục thu hút dòng tiền và có diễn biến tích cực hơn trong tuần giao dịch tới.
Trong ngắn hạn, nếu chỉ số VN-Index vượt được mức 1.267 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể xác nhận tăng.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Không nằm ngoài dự đoán của hầu hết các chuyên gia, chiến thắng của ông Donald Trump tại kỳ bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ tại một số nhóm ngành đặc biệt, đặc biệt là nhóm xuất khẩu. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội với nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới?
Nhóm công nghệ – viễn thông – nhóm bất động sản khu công nghiệp – nhóm cổ phiếu cảng biển và vận tải biển là những nhóm ngành đáng chú ý. Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III khả quan và dự báo cả năm 2024 tốt sẽ là nhóm hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Những hưng phấn sau khi trải qua đợt bầu cử vừa qua mang tính nhất thời và thường không kéo dài lâu. Chính sách đối ngoại và điều hành kinh tế của ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục kịch bản giống nhiệm kỳ I, tuy nhiên vẫn sẽ có nhiều thay đổi điều chỉnh.
Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn chính sách bảo hộ của Mỹ vì vậy cần chuẩn bị nhiều tình huống để ứng xử phù hợp. Một số ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội như dệt may, thuỷ hải sản, gỗ, cafe… tuy nhiên thách thức cũng sẽ tăng lên theo.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Việc ông Trump lên sẽ gần như tạo lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lợi thế về xuất khẩu khi ông Trump sẽ làm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc. Trong đó, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam phải kể đến là thủy sản, dệt may, gỗ, đá. Tôi kỳ vọng giá bán sẽ có xu hướng hồi phục trong năm 2025 cùng với lượng đơn đặt hàng gia tăng.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, chính sách của ông Trump có thể làm USD tăng giá, gây thêm sức ép lên VND. Việc USD mạnh cũng đồng nghĩa với rủi ro lạm phát tăng tại Mỹ, làm Fed kéo dài thời gian lãi suất cao. Điều này khiến VND chịu nhiều áp lực, hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong nước. Quan điểm của ông/bà như thế nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Kinh tế Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng, sự kỳ vọng vào chính sách của chính quyền mới song hành với USD tăng giá là điều không quá bất ngờ. FED vừa hạ lãi suất 0,25% và vẫn có thể có cơ hội hạ tiếp lãi suất ở 18 – 19/12 tới.
Rất nhiều NHTW cũng đưa ra chính sách nới lỏng – Việt Nam cũng có thể giữ nguyên lãi suất điều hành và có chăng can thiệp thông qua OMO và tín phiếu để kiềm chế biến động tỷ giá.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện ở giai đoạn cuối năm, duy trì sự ổn định tỷ giá là điều mà chúng ta sẽ chú trọng để có thể nghĩ đến kịch bản “hạ cánh mềm” giai đoạn cuối năm. Có thể không có bất ngờ lớn ngoài sự kỳ vọng vào giai đoạn tới một năm 2025 với nhiều cơ hội tốt là động lực thúc đẩy TTCK.
Có lẽ khó khăn, thách thức nội tại vẫn đi đôi với những cơ hội và triển vọng. Chúng ta nên tập trung hơn vào các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, các doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh khởi sắc như một số doanh nghiệp bán lẻ, vận tải biển, cảng biển, tài chính, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Bối cảnh kinh tế Mỹ năm 2024 khá khác biệt so với giai đoạn 2016, tuy nhiên chính sách của Trump giai đoạn có thể vẫn tương tự như nhiệm kỳ đầu, bao gồm các hoạt động cắt giảm thuế, đầu tư lớn cơ sở hạ tầng và tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ thương mại.
Nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam sẽ cần thận trọng trong việc quản lý tỷ giá và lãi suất để cân bằng giữa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ doanh nghiệp.
Một chính sách hợp lý có thể bao gồm tăng cường dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, đồng thời tìm cách mở rộng các thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, và khuyến khích doanh nghiệp nội địa tăng cường sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Việc đồng USD tăng mạnh trong thời gian vừa qua có thể sẽ khiến áp lực tỷ giá USDVND vẫn còn căng thẳng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tôi kỳ vọng chỉ số USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh cho nên áp lực tỷ giá cũng được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn.
Trong năm 2025, tôi kỳ vọng đồng USD sẽ đi ngang nhưng biến động mạnh, tức là tăng mạnh và sau đó có thể sẽ hạ nhiệt nhanh chóng vào cuối năm với chính sách của ông Trump thiên hướng về phát triển kinh tế Mỹ nhưng lại muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế. Điểm tích cực là tỷ giá USD/VND có thể sẽ giảm áp lực khi chênh lệch lợi suất USD và VND thu hẹp trong năm 2025.
Về dài hạn trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, nhưng tốc độ tăng sẽ không mạnh nhờ hưởng lợi từ làn sóng FDI và xuất khẩu gia tăng.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn cần duy trì sự thận trọng khi VN-Index tiến về gần ngưỡng hỗ trợ mạnh. Nếu thị trường quay về vùng 1240-1.250 điểm, đây có thể là cơ hội mở vị thế thăm dò ở các nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Đâu là chiến lược đầu tư phù hợp ở thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Có lẽ thị trường đã xác nhận phần nào việc tạo đáy khu vực 1.240 – 1.250 điểm. Nhóm cổ phiếu cơ bản tốt như các cổ phiếu công nghệ FPT, CMG, ITD hay viễn thông CTR, VTP hay cảng biển vận tải biển như HAH, PVT, PVP, các cổ phiếu dệt may TCM, TNG, MSH… là những nhóm cổ phiếu đáng chú ý.
Giai đoạn này kiểm soát danh mục – nắm giữ tối đa 3 – 5 cổ phiếu tỷ trọng vừa phải. Với các nhà đầu tư đang chưa giải ngân vẫn có thể mua gom tích lũy các cổ phiếu sẽ phù hợp hơn so với việc giao dịch ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Trong bối cảnh VN-INDEX đang tiến gần ngưỡng hỗ trợ mạnh, duy trì sự thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thị trường thực sự điều chỉnh về vùng 1.240-1.250 điểm, đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư mở các vị thế thăm dò.
Dưới đây là một số chiến lược phù hợp trong giai đoạn này:
Thứ nhất: Lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt: Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản mạnh, như doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định, tình hình tài chính lành mạnh, và ít phụ thuộc vào vay nợ ngoại tệ. Nhóm ngành như ngân hàng, năng lượng, hàng tiêu dùng, hoặc công nghệ có thể là lựa chọn hợp lý, vì các ngành này ít bị ảnh hưởng bởi biến động lãi suất và có khả năng phục hồi khi thị trường ổn định.
Thứ hai: Chiến lược thăm dò, từng phần: Thay vì giải ngân toàn bộ ngay khi VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ, nhà đầu tư nên chia nhỏ vốn và giải ngân dần để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp thị trường tiếp tục điều chỉnh. Mở các vị thế nhỏ trước để quan sát diễn biến của thị trường và tăng dần khi có tín hiệu tích cực.
Thứ ba: Để đảm bảo có thể linh hoạt chuyển đổi vị thế nếu cần, nên ưu tiên cổ phiếu có tính thanh khoản cao, vì nhóm cổ phiếu này dễ dàng giao dịch và có khả năng phục hồi nhanh hơn nếu thị trường ổn định trở lại.
Tóm lại, trong giai đoạn thị trường gần ngưỡng hỗ trợ mạnh, việc thăm dò là hợp lý, nhưng cần ưu tiên cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tính thanh khoản cao, và áp dụng quản lý rủi ro chặt chẽ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Nếu chỉ số VN-Index lùi về lại vùng 1.240 – 1.250 điểm thì tôi cho rằng đây là vùng mua thăm dò tốt khi rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng giảm dần. Đồng thời, các nhà đầu tư không nên bán ra ở giai đoạn này.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-chung-khoan-tuan-moi-co-hoi-doi-voi-nhom-co-phieu-xuat-khau-post357694.html