Gói 120.000 tỷ ‘ế’, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu cho dân vay mua nhà
Bộ Xây dựng cho biết đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét sớm triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ phù hợp, hiệu quả giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà xã hội.
Thông tin này được đại diện Bộ Xây dựng cho biết tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng ngày 17/10.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản đánh giá, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mặc dù NHNN đã 2 lần hạ lãi suất tuy nhiên thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Nguồn vốn này do các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, không có ngân sách hỗ trợ. Nếu so sánh nguồn vốn đề xuất 30.000 tỷ đồng (dùng vốn ngân sách) sẽ đáp ứng mục tiêu của nhà nước trong việc quan tâm, đảm bảo công tác an sinh, xã hội về nhà ở.
Đồng thời, với nhu cầu vốn đến năm 2030 được nêu tại Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (khoảng 500.000 tỷ đồng) nguồn vốn 120.000 tỷ mới chiếm khoảng 24%.
“Nhằm đảm bảo tính ổn định, đa dạng nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở và đảm bảo mục tiêu của Đề án thì việc nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội là cần thiết trong thời điểm hiện nay”, ông Dũng nói.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: T.Hà
|
Ông Dũng cho biết, việc đề xuất này phải phù hợp với các pháp luật về nhà ở, pháp luật về ngân sách, pháp luật về tín dụng, pháp luật về đầu tư công và các pháp luật khác liên quan. Bộ Xây dựng đang tập trung phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đồng bộ, đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến gói tín dụng này, tại thông báo mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Trong đó, 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay.
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm, mấu chốt của chính sách phát triển nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi. Tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, vừa hỗ trợ người dân khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện và thời gian thu xếp tài chính để mua được nhà ở xã hội là rất cần thiết.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu để đảm bảo gói tín dụng được thực hiện đúng luật, khả thi và hiệu quả, giúp người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay giá rẻ để mua nhà.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, quy mô hơn 561.800 căn.
Trong đó, 79 dự án hoàn thành, quy mô gần 40.700 căn; 128 dự án đã khởi công, với quy mô gần 111.700 căn; 412 dự án được chấp thuận chủ trương, quy mô hơn 409.400 căn.
Số căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.
Về kết quả thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ, theo Bộ Xây dựng, hiện ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm 4 ngân hàng khác gồm TPbank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình, mỗi đơn vị 5.000 tỷ đồng (nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng).
Đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.
Tính đến cuối tháng 8, gói tín dụng đã giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó có 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay, 49 tỷ đồng cho người mua nhà vay.
|
Hồng Khanh