Ông Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 47 và thế giới công nghệ đang chờ xem chính quyền của ông sẽ thực hiện điều gì với các vấn đề quan trọng như quy định về trí tuệ nhân tạo (AI), nhập cư, chống độc quyền, sáp nhập và mua lại.
Thuế quan
Vào tháng 9, ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng ngành công nghệ sẽ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kế hoạch áp thuế quan rộng rãi của ông Trump.
Ngân hàng này cho biết: “Xét về tác động trực tiếp, mặc dù đề xuất thuế mới sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến thu nhập của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động từ lạm phát khiến chi phí tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm là lực cản đối với thu nhập của doanh nghiệp và gây ra nhiều tổn thất”.
Mark Lemley, giáo sư kiêm giám đốc Chương trình Luật, Khoa học và Công nghệ Stanford cảnh báo rằng kế hoạch áp thuế cao của ông Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng có thể gây tổn hại cho các công ty công nghệ.
“Nếu chính quyền Trump áp đặt mức thuế quan khổng lồ”, Lemley nói với Business Insider. “Điều đó có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho các công ty công nghệ Mỹ bán ra thị trường nước ngoài cũng như làm tê liệt tiêu dùng trong nước”.
Để thích ứng, các các công ty công nghệ sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể trong cách thức kinh doanh của họ.
Chris Walton, cựu giám đốc điều hành của Target, cho biết: “Đây sẽ là một sự thay đổi lớn đối với hầu hết cơ cấu chi phí của các công ty này”.
Walton cho biết, xét đến chi phí tổ chức lại chuỗi cung ứng, các công ty công nghệ lớn vẫn đang nghiên cứu các lựa chọn và thực hiện bất kỳ điều chỉnh đơn giản nào thay vì cam kết sớm với một chiến lược mới.
Tiếp tục chống độc quyền
Các vụ kiện chống độc quyền hiện đang được tiến hành đối với các công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Meta và Amazon. George Hay, một chuyên gia chống độc quyền, đồng thời là giáo sư luật tại Đại học Cornell dự báo những vụ này vẫn sẽ tiến hành tiếp như thường lệ và chính quyền ông Trump rất ít khả năng can thiệp vào.
“Tôi không nghĩ ra bất kỳ lí do nào để ông Trump can thiệp vào những việc này”, ông Hay cho biết
Nhìn chung, ông cho biết sẽ không có nhiều thay đổi trong vấn đề chống độc quyền dưới chính quyền thứ hai của ông Trump.
Đồng thời, sẽ có nhiều vụ sáp nhập lớn được đề xuất dưới thời Trump, các chuyên gia dự báo. Dan Romanoff, nhà phân tích nghiên cứu vốn chủ sở hữu cấp cao tại Morningstar cũng cho rằng ông Trump ít có khả năng phản đối các thỏa thuận lớn.
Lao động nước ngoài
Ông Trump đã đưa chiến dịch trấn áp nhập cư bất hợp pháp trên diện rộng thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình. Giờ đây khi ông đắc cử, chiến dịch này có thể tác động đến ngành công nghệ về mặt nhân sự. Nhân sự ngành công nghệ đang phụ thuộc vào thị thực H1-B, đặc biệt trong cuộc chạy đua tuyển dụng AI của các công ty công nghệ.
James Brundage, giám đốc bộ phận công nghệ toàn cầu và châu Mỹ của EY, cho biết bất kỳ công ty nào dựa vào việc tuyển dụng ở nước ngoài đều sẽ gặp thách thức trong những năm tới.
Saunders và Walton cho biết khi các nhà bán lẻ như Walmart và Target ngày càng ứng dụng công nghệ, việc hạn chế những tài năng nhập cư có tay nghề cao có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ.
AI
Ông Trump chưa cung cấp nhiều thông tin cụ thể về chính sách AI mà ông sẽ theo đuổi, mặc dù ông đã gọi công nghệ này là “rất nguy hiểm”. Ông đã hứa hủy bỏ lệnh hành pháp của Biden về AI, trong đó nêu rõ các chính sách xoay quanh quản trị AI, thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết các mối đe dọa do AI gây ra. Ông Trump nói rằng lệnh này thách thức quyền tự do ngôn luận.
Valerie Wirtschafter, thành viên của Sáng kiến Chính sách đối ngoại, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ mới nổi thuộc Viện Brookings cho biết: “Tôi nghĩ rằng theo một nghĩa nào đó, nó giống như con dao hai lưỡi. Tất nhiên là ít quy định hơn, ít báo cáo hơn, ít thủ tục hành chính hơn, tất cả đều tốt và tuyệt vời”.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ lệnh cũng có thể “gây ra đôi chút bất ổn”. Bà nói thêm: Các công ty sẽ không có các tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm để đảm bảo rằng các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.