Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa án ra phán quyết buộc Google phải bán đi trình duyệt Chrome để chống độc quyền. Đây là cuộc trấn áp lịch sử đối với một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Trước đó hồi tháng 8, tòa án đã phán quyết Google độc quyền bất hợp pháp thị trường tìm kiếm. Thế nhưng quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp chưa dừng lại ở đó. Ngày hôm qua, 19/11/2024, các quan chức này cùng với các bang tham gia vụ kiện, đã đề nghị Thẩm phán liên bang Amit Mehta ban hành các biện pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ điều hành điện thoại Android, cũng như áp đặt yêu cầu cấp phép dữ liệu. Nếu ông Mehta chấp nhận đề xuất này, thị trường tìm kiếm trực tuyến và ngành AI có thể sẽ được định hình lại.
Bộ Tư pháp lần đầu tiên đệ trình vụ án chống độc quyền nhắm vào Google dưới thời chính quyền thứ nhất của ông Donald Trump và tiếp tục kéo dài đến thời ông Joe Biden. Có thể nói đây là nỗ lực bền bỉ bậc nhất của chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế một công ty công nghệ, sau khi họ thành công chia tách Microsoft Corp. hơn 20 năm về trước.
Đối với Google, việc sở hữu Chrome, trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, là yếu tố sống còn đối với mảng kinh doanh quảng cáo. Sử dụng Chrome, họ có thể xem hoạt động từ người dùng, dùng dữ liệu này để nhắm mục tiêu cho các chiến dịch quảng cáo, từ đó nâng cao hiệu suất dịch vụ và tạo ra doanh thu lớn hơn cho công ty. Ngoài ra, Google còn dùng Chrome để điều hướng người dùng đến Gemini, sản phẩm AI do Google phát triển.
Trước động thái của Bộ Tư pháp, bà Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch pháp lý của Google, cho biết trong vụ kiện này, Bộ Tư pháp dường như không chỉ dừng lại ở các vấn đề pháp lý. Bà khẳng định cách tiếp cận của Bộ sẽ gây hại cho người tiêu dùng, lập trình viên và giới lãnh đạo công nghệ Mỹ trong thời điểm thế giới cần họ nhất.
Quan chức phụ trách chống độc quyền muốn thẩm phán ra lệnh buộc Google bán Chrome vì đây là nền tảng quan trọng để người dùng truy cập công cụ tìm kiếm Google Search. Theo dịch vụ phân tích lưu lượng truy cập website StatCounter, trình duyệt Chrome kiểm soát khoảng 61% thị trường ở Mỹ.
Quyết định này sẽ không được đưa ra ngay lập tức. Thay vào đó, tòa án sẽ xem thử các biện pháp khác có giúp thị trường bớt thế độc quyền hơn hay không. Nếu có, có lẽ tòa án sẽ không bắt buộc Google bán Chrome.
Trên thực tế, yêu cầu bán Chrome chưa phải là kế hoạch nghiêm khắc nhất. Trước đó Bộ Tư pháp thậm chí còn muốn Google phải bán hệ điều hành Android. Tuy nhiên họ đã từ bỏ phương án này.
Hồi tháng 8, thẩm phán Mehta phán quyết Google vi phạm luật chống độc quyền cả thị trường quảng cáo tìm kiếm online và văn bản tìm kiếm. Phía Google khẳng định họ sẽ kháng cáo.
Nếu Google thực sự bị ép phải chia tách, thì lại có một vấn đề khác xảy ra: Ai là người đủ khả năng mua (một phần Google)? Bởi vì ngay cả những bên có tiềm lực và mong muốn nhất như Amazon cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền, khiến họ khó lòng thực hiện thương vụ mua lại lớn như vậy.
Như đã nói ở trên, Chrome là một vũ khí quan trọng của Google trên thị trường quảng cáo. Bên cạnh đó, Google cũng cấp mã nguồn “lõi” của Chrome ra công chúng và rất nhiều công ty đã dựa vào mã nguồn này để phát triển thành trình duyệt của riêng mình. Có thể nói ngoài Firefox và Safari ra thì hầu hết các trình duyệt còn lại đều dựa trên mã nguồn của Chrome. Có thể kể đến như Microsoft Edge hay Cốc cốc của Việt Nam.
Thành thử, ngoài việc thông qua Chrome để nắm hành vi người dùng, Google còn gián tiếp nắm “vận mệnh” của hầu hết các đối thủ và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường trình duyệt.
Quý 3 vừa rồi, trình duyệt Cốc cốc đã xếp thứ hai về lượng người dùng trên PC ở Việt Nam, đạt tỷ lệ người dùng là 59% (59% đáp viên cho biết có sử dụng Cốc Cốc) chỉ sau Google Chrome (83%) và vượt xa các trình duyệt khác (chưa đến 30%). Điều này cho thấy tầm quan trọng của Chrome với thế giới quảng cáo như thế nào. Nếu bị buộc phải bán đi Chrome, đây sẽ là một cơn địa chấn trong mảng trình duyệt nói chung và quảng cáo nói riêng.